Tại hội thảo, ông Trần Văn Nguyên – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên cho biết, diện tích rừng mà ND được giao khoán rất ít, chỉ vài ha/hộ, nên người dân không có việc làm thường xuyên, họ phải đi làm thuê nơi khác. Trong khi đó, người dân chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ trồng rừng nên giá các sản phẩm chủ yếu theo giá cả thị trường và do thương lái từ nơi khác định giá.
Thảo luận về vấn đề này, đại diện Vụ Phát triển rừng (Bộ NNPTNT) thừa nhận, mặc dù đã có khá nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên mức hỗ trợ vẫn còn thấp, đơn cử bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ 10ha rừng chỉ được hỗ trợ là 2 triệu đồng/năm.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Trần Văn Nguyên – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên đề nghị: “Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi trong việc vay vốn trồng rừng, thông qua việc giảm lãi suất ưu tiên phát triển trồng rừng theo hệ thống tín dụng của các ngân hàng hiện nay”. Còn ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Cần tuyên truyền, vận động ND tham gia các tổ, nhóm, hợp tác xã trồng rừng; hỗ trợ xây dựng các mô hình nhóm, hộ ND sản xuất rừng và phát triển trang trại bền vững, tiến tới thành lập các tổ nhóm hợp tác và hợp tác xã nông, lâm nghiệp”.