Bám sát dân để cho vay đúng đối tượng
Trong chuyến công tác tại xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Nam - cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu vào cơ sở kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn tại xã. Anh Nam nói: Tổ chức Hội ND là điểm tựa rất đáng tin cậy của chúng tôi, bởi Hội không chỉ có tổ chức tới các bản, tiểu khu mà còn có sự gắn bó rất chặt chẽ với các chủ hộ. Thông tin từ các chi hội ND có tính xác thực rất cao và thường nhanh nhạy vì cán bộ chi hội chính là ND. Bám sát chi hội là chúng tôi đang gần dân nhất.
“Ở bản này, không ai để thành nợ xấu”
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nam nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất mà Ngân hàng CSXH cần đạt được trong hoạt động cho vay là người vay vốn sử dụng có hiệu quả. Hiệu quả thể hiện nhiều mặt: Bảo toàn vốn, có lãi, biết tư duy làm ăn, biết cách điều phối nguồn vốn hợp với hoàn cảnh gia đình. Nếu một hộ nghèo chỉ vay được 10 triệu đồng thì ngân hàng phải tư vấn cho họ làm cái gì cho hợp lý, sớm có lãi mà cải thiện cuộc sống như: Nuôi gà, vịt, dê, lợn thịt… Việc quay vòng vốn sớm với người nghèo rất quan trọng.
Chúng tôi trao đổi lại câu chuyện này với anh Vì Văn Hôm - Chi hội trưởng ND bản Tà Ẻn, xã Phiềng Khoài. Anh Hôm thừa nhận: Cái ấy là đúng đấy. Ngày trước dân nghèo cứ nghĩ là vốn Nhà nước cho không, nên có một số hộ vay vốn về để mua thức ăn, sắm ti vi… Sau này cán bộ ngân hàng phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền nhiều lần, người ta mới hiểu ra. Rồi cán bộ lại phải hướng dẫn người dân cách dùng vốn, cách chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ từ nguồn vốn được vay. Bây giờ ở cái bản này, có tới mấy chục hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH nhưng không có ai để thành nợ xấu đâu. Biết cách làm và làm hiệu quả rồi thì ngân hàng sẽ tin, cho vay nhiều hơn; hộ nghèo khác cũng vì thế nhanh được vay vốn hơn, học được kinh nghiệm làm ăn tốt hơn. “Người ta bảo đồng vốn Ngân hàng CSXH là đồng vốn khôn. Tôi nghĩ như thế là đúng đấy”.