Ngày 9.6, tờ Wall Street Jornal của Mỹ đưa tin chính phủ Malaysia sẽ chính thức lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành vi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông, và Thủ tướng Najib Razak sẽ trao đổi vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim, người dân Malaysia đang rất tức giận với việc một tàu hải cảnh của Trung Quốc ngang nhiên thả neo trên vùng biển gần cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Công ty dầu mỏ quốc doanh Petronas của Malaysia cũng có các giếng dầu đang khai thác gần đó.
Trước đây, Kuala Lumpur thường không phản ứng mạnh mẽ với các hành vi được coi là “khiêu khích” của tàu Trung Quốc, chỉ đưa ra các lời phản đối “hình thức” khi các tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại khu vực này trong suốt 2 năm qua và quấy nhiễu hoạt động khảo sát dầu mỏ hồi tháng 8.2012 và tháng 1.2013.
Malaysia cũng không hề có động thái quyết liệt nào khi Campuchia “phong tỏa” các cuộc bàn luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông tại một hội nghị thượng đỉnh của ASEAN năm 2012. Kuala Lumpur thường cho rằng một số quốc gia trong khu vực đang thể hiện thái độ “quá đối đầu” với Bắc Kinh và kêu gọi giải pháp ngoại giao.
Thế nhưng có vẻ như chiến thuật “mũ ni che tai” của Malaysia trong vấn đề Biển Đông đã không có lợi cho họ, khi Trung Quốc đang sử dụng đúng những chiến thuật đã từng áp dụng với Philippines để tìm cách chiếm lấy cụm bãi cạn Luconia.
Và thế là Malaysia đã bắt đầu thay đổi thái độ từ hồi năm ngoái, khi Trung Quốc ráo riết thực hiện hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông và “chọc giận” Malaysia bằng việc đưa tàu hải cảnh áp sát cụm bãi cạn Luconia do Malaysia tuyên bố chủ quyền.
Năm 2014, Kuala Lumpur đã đề nghị cho quân đội Mỹ sử dụng căn cứ không quân ở Borneo cho máy bay thám sát P-8 Poseidon thực hiện các chuyến tuần tra Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng cảnh báo rằng tranh chấp Biển Đông có thể “leo thang thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất”.
Hai tuần trước đây, Thủ tướng Najib đã lên đường tới Nhật Bản để thảo luận về việc chuyển giao công nghệ hải quân với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Một số chuyên gia nhận định rằng chính cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây ra nỗi lo ngại đối với các quốc gia Đông Nam Á và có thể làm hình thành một liên minh mới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9.6, báo chí Nhật Bản cho biết hải quân Philippines và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc diễn tập hải quân mới gần Biển Đông vào cuối tháng này.
Đài NHK của Nhật Bản cho hay Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) sẽ điều 3 máy bay tuần thám P-3C tới tham gia cuộc diễn tập này, còn hải quân Philippines cũng sẽ điều một tàu chiến và một máy bay tới khu vực trên.
Người phát ngôn Hải quân Philippines Edgard Arevalo xác nhận rằng cuộc diễn tập này là một phần trong chuỗi các hoạt động hợp tác quân sự giữa Philippines và Nhật Bản. Tuy nhiên ông này không tiết lộ thời gian và địa điểm chính xác diễn ra cuộc diễn tập.
Đây là cuộc diễn tập thứ hai được tổ chức giữa Nhật Bản và Philippines trong vòng 2 tháng qua, tuy nhiên cuộc diễn tập sắp tới được coi là lần hợp tác quân sự “chính thức, toàn diện” đầu tiên giữa hai nước.