Theo các lão nông trong làng, lúc đầu chỉ có vài chục gia đình, sau đó tăng lên dần dần, có lúc lên tới hai trăm gia đình vò cơm rượu để giao cho bạn hàng hoặc trực tiếp mang đi bán ở khắp các tỉnh lân cận, đông nhứt là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long và TP.HCM…
Chị Lê Thị Loan, P. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Thạnh cho biết Hợp tác xã sản xuất cơm rượu hiện có 70 hộ, chưa kể những người làm tự do. Thường thì ông bà cha mẹ lo sản xuất, con cháu mang hàng đi bán khắp nơi. Công việc của họ thật âm thầm và vất vả, nhiều chị em có con nhỏ phải gởi cho ông bà chăm sóc để lặn lội đường xa kiếm sống bằng nghề bán cơm rượu, ngày nào cũng cơm hàng cháo chợ, hai ba tuần mới về thăm nhà một lần.
Nguyên liệu làm cơm rượu gồm có nếp nấu thành xôi rồi vắt ra thành viên tròn, nhỏ, đều bằng trái hạnh. Gần đây có nhiều người chế biến cơm rượu bằng nếp than, màu sắc và hương vị thật hấp dẫn. Sau khi vắt xong người làm dùng lá chuối tươi bao bọc thành bánh trước khi cho vào thau hay vịm đậy kín độ hai ba đêm là ăn được.
Tuy cách làm đơn giản nhưng muốn cho cơm rượu thơm ngon, nồng nàn và nhiều nước cốt, người làm phải có kinh nghiệm chọn nếp, nấu xôi, ủ men và bọc lá chuối. Bí quyết gia truyền của cơm rượu xóm Bà Đằng là men. Chính nhờ chất men xúc tác mà hương vị trở nên thơm nống, ít có nơi nào sánh kịp. Kế đến là nước muối để vắt cơm rượu phải nấu bằng muối hột mới giúp cho cơm rượu không bị bời rời. Còn lá chuối dùng bọc viên cơm rượu phải là chuối hột hoặc chuối xiêm mới toát lên được hương vị đặc trưng.