Dân Việt

Tổng thống Putin lợi dụng Ý để thử “bó đũa” châu Âu?

Phương Đăng 10/06/2015 19:00 GMT+7
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến công du phương Tây, cụ thể tới thăm Ý và hội kiến với Thủ tướng Matteo Renzi ở Milan hôm nay (10.6), một ngày sau khi giới lãnh đạo G7 đồng loạt lên án Moscow trong hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra tại Đức.

img
Tổng thống Nga Putin (phải) bắt tay Thủ tướng Ý Matteo Renzi khi ông Renzi tới Moscow hồi tháng 3.
Không phải là một thời điểm nào khác, chuyến thăm Ý của Tổng thống Putin diễn ra ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 bao gồm các nước Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ và Canada kết thúc chỉ một ngày.

 

Tại cuộc họp 2 ngày 7-8.6 ở miền Nam nước Đức, giới lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung mạnh mẽ cáo buộc Nga hỗ trợ các lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, châm ngòi cho cuộc nội chiến ở nước này. Theo đó, G7 đe dọa sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Moscow trong trường hợp cần thiết.

img
Giới lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung lên án Nga sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Đức

 

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư của EU nhắm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine sẽ hết hạn vào cuối tháng 7 tới và các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận về việc có nên tiếp tục trừng phạt Nga hay không.

Quyết định chính thức sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này. Theo quy định, quyết định gia hạn trừng phạt Nga sẽ chỉ có hiệu lực khi nhận được sự nhất trí của toàn bộ 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, Tổng thống Putin sẽ cần một phiếu trắng từ một nước thành viên EU.

Giới quan sát đặt câu hỏi, chuyến thăm Ý của Tổng thống Putin nhằm mục đích gì? Phải chăng nhà lãnh đạo Nga có ý định lợi dụng Ý để thử tình đoàn kết của Liên minh châu Âu bằng cách tìm kiếm đôi chút ủng hộ, giúp đỡ từ "một người bạn cũ"?

Cuối tuần trước, một ngày trước khi lên đường thăm Ý, Tổng thống Putin đã trả lời phỏng vấn với tờ báo Corriere della Sera của Ý. Trong cuộc phỏng vấn này, ông chủ Điện Kremlin đã nhấn mạnh và nói khá nhiều về "mối quan hệ đặc biệt" giữa Nga và Ý. Đồng thời, Tổng thống Putin cũng khéo léo tận dụng cuộc phỏng vấn này để phân tích, giãi bày về việc Moscow đang phải chịu sự đối xử bất công từ nhiều nước phương Tây.

"Không cần phải răn đe chúng tôi bằng các lệnh trừng phạt. Không cần phải sợ nước Nga", ông Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera.

Nhấn mạnh phạm vi và chiều sâu của mối quan hệ Nga - Ý, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi, đương nhiên rất sẵn lòng mở rộng quan hệ hợp tác song phương miễn là đối tác Ý của chúng tôi cũng sẵn lòng để làm như vậy. Tôi rất kỳ vọng, chuyến thăm Ý sắp tới của tôi tới Milan sẽ là đòn bẩy cho vấn đề này".

Theo BBC, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Ý trong những năm gần đây không ngừng gia tăng và theo ước tính, năm ngoái có gần một triệu khách du lịch Nga đến thăm Ý.

Ngoài ra, trên thực tế, có nhiều thiện cảm dành cho Nga tại Ý, cũng như không ít người Ý tin rằng, EU đã sai lầm trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, nếu ông chủ Điện Kremlin thực sự đang tìm kiếm sự ủng hộ từ chính phủ ở Rome, ông có thể sẽ phải thất vọng.

Là một thành viên của G7, Ý đã nhất trí với thông cáo chung của nhóm này trong đó khẳng định, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sẽ vẫn được giữ nguyên, trừ khi Nga tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hòa bình Minsk hồi tháng 2, thiết lập lại hòa bình cho Ukraine.

Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni mới đây cũng nhấn mạnh, chính phủ nước này muốn đối thoại với Nga, song sẽ đồng hành và đoàn kết với châu Âu và đồng minh Mỹ.

"Tôi không cho rằng Nga thực sự quan tâm đến việc lợi dụng Ý làm tấm bình phong để đối đầu với châu Âu. Bởi họ biết rằng, điều đó sẽ không thể xảy ra", ông Gentiloni tuyên bố.
img
Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni quả quyết, Ý sẽ không "phản bội" châu Âu và đồng minh Mỹ để ngả về phía Nga.
Trên thực tế, theo giới quan sát, nhà lãnh đạo Nga đang ra sức tìm kiếm khe hở trong "bó đũa" châu Âu, không chỉ thông qua việc đến Ý, mà còn cố gắng "kết thân" với các đảng cánh hữu của châu Âu, như Mặt trận Quốc gia Pháp hay dùng khí đốt để "ve vãn" Hy Lạp. Theo BBC, cũng cuối tháng này, Thủ tướng Hy Lạp sẽ quay lại Moscow để đàm phán với Điện Kremlin về một thỏa thuận khí đốt.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuần này đã cảnh báo: "Dĩ nhiên, chúng tôi quan ngại về chiến lược rõ ràng mà Điện Kremlin đang nỗ lực thực hiện, nhắm vào những mắt xích yếu nhất trong liên minh".
 
Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên bình luận thẳng thắn hơn Ngoại trưởng Anh: "Nếu Hy Lạp hoặc Cộng hòa Síp tuyên bố: "Chúng tôi đứng về phía Nga", thì họ (Nga) đã thành công. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra".