Từ bao đời nay, cây thốt nốt (còn gọi là thốt lốt) ở An Giang đã gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của bà con người dân tộc Khmer. Hầu như bộ phận nào của cây thốt nốt cũng có ích cho cư dân vùng Bảy Núi. Trái thốt nốt dùng để ăn; vỏ trái thốt nốt dùng mài ra lọc lấy nước trộn với bột để làm ra nhiều loại bánh dân gian. Đặc biệt nước thốt nốt dùng để uống tươi và nấu đường gọi là đường thốt nốt.
Cây thốt nốt càng lâu năm, trữ lượng nước càng nhiều. Ruột (cơm) trái thốt nốt rất thơm, ngon và giòn, có thể xắt mỏng cho vào ly nước thốt nốt.
Muốn có một cân đường thơm ngon hoặc một ly nước thốt nốt ngọt ngào, người trồng phải trèo lên cây, mang theo những ống tre, dao và đồ nghề để thực hiện những thao tác một cách thuần thục và nhanh nhẹn trước khi đặt ống lấy nước (hiện nay bà con thường dùng bình nhựa để thay cho ống tre). Sáng hôm sau lại trèo lên để thay ống mới, cứ thế mà leo từ cây nầy đến cây khác. Những người trèo cây lấy nước vừa cực khổ vừa nguy hiểm nên dân gian có câu “Ăn cơm dưới đất làm việc trên trời”.
Cây thốt nốt hằng năm cho nước từ tháng Mười, nhiều nhất là gần Tết và kéo dài cho đến tháng tháng Năm âm lịch. Nước thốt nốt ngon nhất là vào mùa hè, hương vị ngọt ngào, thanh khiết. Đây là loại nước giải khát tuyệt hảo trên vùng Bảy Núi nên hằng năm kể từ sau Tết cho đến mùa hội Vía Bà tháng Tư, không khí mua bán trở nên nhộn nhịp, đắt hàng, thậm chí nhiều bạn hàng phải lấy thêm trái và nước từ Campuchia chở về.
Trung bình cứ 10 kg nước thốt lốt nấu được 1 - 1,5 kg đường om. Đường thốt nốt thơm, ngon và dịu hơn đường mía. Tại “xứ thốt nốt”, bà con thường làm những món bánh truyền thống từ nguyên liệu bột trộn với nước, cơm hoặc vỏ trái thốt lốt như: chè đậu, bánh da lợn, bánh ích, bánh bò ... Tại Tri Tôn, rất nhiều lò đường được chế biến theo kiểu truyền thống dân gian, mùi “ngọt” bốc lên vừa nồng vừa thơm - một thứ mùi đặc trưng của thốt nốt rất dễ cảm nhận.
Theo Tự vị tiếng nói miền Nam, trang 586 của Vương Hồng Sển: Thốt nốt từ tiếng Khmer gọi là “Th’Nôt”, sau quen đọc trại thành “thốt lốt” là loại cây dừa đường “Borassus Flabellifer L.” có từ thời xa xưa, nhiều nhất là ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn (An Giang), Kiên Lương (Kiên Giang) và rải rác ở một số nơi.
Hằng năm có khoảng ba triệu khách du lịch đổ về An Giang tham quan, mua sắm và thưởng thức các món ăn đặc sản. Vậy nên bà con ở phố núi rất nhạy bén với các hoạt động du lịch, ngày càng đa dạng hóa các dịch vụ ăn uống, trong đó nguồn cung cấp dồi dào và thu nhập khá cao là nước thốt nốt và những sản phẩm chế biến từ trái và nước lốt nốt.
Cây thốt nốt Bảy Núi hiện nay không những là nguồn lợi đáng kể của nông dân mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi sinh, môi trường, là những chiếc dù thiên nhiên khổng lồ toả bóng mát đầy quyến rũ đối với khách tham quan du lịch.
Trèo thốt nốt lấy nước.
Nước thốt nốt được gánh đi bán dạo tại các khu du lịch.
Thốt nốt vào mùa.
Nấu nước thốt nốt làm đường.
Các loại đường thốt nốt.