TS. Võ Trí Thành khẳng định: “Việt Nam đang rất "máu" hội nhập. Chưa nước nào dám mở cửa hội nhập mạnh như Việt Nam khi cùng một lúc vừa mở cửa cho ASEAN, vừa mở cửa cho Mỹ, EU, Nga... Đây là cách tốt để Việt Nam trở thành nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tham gia vào mạng lưới các chuỗi giá trị hàng đầu thế giới”.
Ông Jeffrey Pirie-Giám đốc điều hành Deloitte Singapore cũng cho biết, theo kết quả khảo sát ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực do Deloitte tiến hành thì Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là 3 nước được cho là sẽ có lợi nhất khi AEC thành lập.
Trong đó, những ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều là kinh doanh hàng tiêu dùng, y tế, sản xuất, bất động sản, công nghệ, truyền thông và viễn thông. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh như: Mở rộng thị trường xuất khẩu; “chen chân” sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi; tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển…
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, để tận dụng được những lợi ích đưa lại của hội nhập, Việt Nam vẫn cần phải khắc phục không ít hạn chế. Trong đó, cán bộ quản lý các cấp lẫn lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng cao trình độ để tránh lúng túng trong hội nhập. Hệ thống pháp luật của Việt Nam phải thật rõ ràng, minh bạch và nhất quán.