Người già ở bản bảo rằng, chính ý nghĩa của việc chọn giờ như vậy mà các thế hệ ông cha của người Hà Nhì đã sáng tạo ra một công cụ có tên là “soóng-khừ” - bảng tính giờ tốt xấu được sử dụng phổ biến mỗi khi cần tính toán chọn giờ lành, tránh giờ dữ trong ngày.
Theo tiếng Hà Nhì thì “soóng-khừ” có nghĩa là tính toán. Công cụ tính toán thông dụng này được sáng tạo trên cơ sở là vốn tri thức dân gian của cộng đồng người Hà Nhì về lịch pháp và những kinh nghiệm được đúc kết lại tự ngàn đời.
Thời gian trong một ngày được người Hà Nhì chia thành 12 canh giờ. Mỗi canh giờ ứng với một chi giống lịch pháp của người Trung Hoa cổ, tuy nhiên điểm khác biệt là ở chỗ giờ đầu tiên trong ngày được tính bắt đầu từ giờ Dần (3 giờ sáng) và kết thúc vào giờ Sửu (2 giờ sáng hôm sau).
Bảng tính “soóng-khừ” có bố cục cân đối 5 ô dọc và 5 ô ngang. Mỗi ô dọc ứng với một múi giờ làm việc trong một ngày, hướng xem từ dưới lên trên. Mỗi ô ngang lại ứng với một ngày bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng Giêng của năm và quay vòng tuần tự theo chu kỳ 5 ngày, ngày thứ 6, ngày thứ 11… quay lại trùng với ngày thứ nhất. Hướng xem hàng ngang tuần tự từ trái qua phải.
Trong bảng tính có 5 ký hiệu gồm hình 4 chấm (tức xứ-dè - nghĩa là 4 chân); hình dấu nhân (tức pẹ-tá - nghĩa là đòn gánh); hình dấu tròn (tức á-nhẹ - nghĩa là không); hình 2 chấm (tức lấu-dè - nghĩa là 2 chân); hình 1 chấm (tức tùng-dè - nghĩa là 1 chân). Mỗi ký hiệu đều mang những thông điệp lành hoặc dữ ứng với mỗi việc khác nhau. Đồng bào Hà Nhì chỉ tính giờ tốt xấu để xuất hành thực hiện những việc liên quan đến tính mạng như đi xa, đi săn; những việc liên quan đến thành bại như đi buôn bán, gieo hạt, làm nhà mới.