Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trấn an như vậy khi ĐBQH cho biết nhiều người đang “lo ngại, lo âu và lo quá đi” về tình hình nợ công.
Coi nợ công là một vấn đề nóng của kinh tế vĩ mô, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đặt vấn đề với người đại diện của Chính phủ: Tại kỳ họp 8, Thủ tướng đã có báo cáo chi tiết về nợ công. Nhưng cử tri vẫn lo sợ về sự an toàn nợ công. Còn ĐB thì “lo ngại, lo âu và lo quá đi”. “Chính phủ báo nợ công tuy cao và tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Vì sao có sự lỗi nhịp trong suy nghĩ về nợ công? Chính phủ có giải pháp gì để đem lại sự an toàn trong vấn đề nợ công?”, ông Ngân hỏi.
Trả lời ĐB Trần Hoàng Ngân, Phó Thủ tướng nói, tỷ lệ nợ công tính trên GDP của các nước khác nhau. Ông Phúc dẫn chứng, như Nhật Bản, tỷ lệ này lên đến 300%. “Quan trọng nhất là đánh giá khả năng vay và trả nợ thế nào chứ không chỉ nhìn vào khoản vay. Ở Việt Nam, tỷ lệ nợ công tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP trong khi giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Vậy nên Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô nợ công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về những giải pháp để kiểm soát nợ công, Phó Thủ tướng đưa ra một số vấn đề:
Chính phủ tăng cường quản lý nợ công, nhất là với các khoản vay mới, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, cố gắng cho vay lại và đảm bảo trả nợ. Tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt, hệ thống tín dụng cao thì vay mới dễ được.
Cũng trả lời ĐB Ngân về việc kiểm soát khủng hoảng sau khi hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, nhìn từ bài học sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, Phó Thủ tướng giải thích là do thời điểm đó, tích tụ kinh tế trong nhiều năm nên kinh tế Việt Nam còn nhiều bất cập, doanh nghiệp còn bị động và cách ứng phó chưa linh hoạt, vì vậy đã lâm vào khủng hoảng cùng với thế giới.
“Rút kinh nghiệm từ việc này, sau 2015, Chính phủ xác định gia nhập FTA là một thời cơ lớn nhưng cũng là một nguy cơ khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà. Chuẩn bị tâm thế như thế để cải cách thể chế pháp luật, tái cơ cấu nền kinh tế để đón nhận thời cơ phát triển”, Phó Thủ tướng cho biết.
“FTA sẽ mang lại lợi thế lớn nếu có sự chuẩn bị kỹ càng từ người dân, doanh nghiệp và cả Chính phủ” – ông Phúc khẳng định.