Ali Ahsan là một cậu bé người Iraq mới 14 tuổi, và tranh thủ thời gian nghỉ hè, cậu lại khoác lên mình khẩu súng trường cao quá thắt lưng để cùng cha tham gia Lực lượng Tổng động viên của Iraq ra trận chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cậu bé có gương mặt lạnh lùng này tuyên bố: “Cháu ở đây để thực hiện nghĩa vụ của mình. Lực lượng Tổng động viên không phải là một nhóm phe phái. Họ đại diện cho toàn bộ Iraq, và cháu muốn giúp họ giải phóng Iraq khỏi IS”.
Ali là một trong số rất nhiều chiến binh dân quân người Shia đang ùn ùn kéo về tỉnh Anbar, địa phương lớn thứ hai ở Iraq, nơi có đa số người Sunni sinh sống, để tham gia chiến dịch tái chiếm thành phố Fallujah, một trong những thành phố đầu tiên ở nước này rơi vào tay IS.
Lực lượng Tổng động viên với đa phần là các chiến binh dân quân Shia bắt đầu được huy động tới tỉnh Anbar sau khi quân đội Iraq thất thủ thê thảm ở thành phố Ramadi, khiến thành phố chiến lược này rơi vào tay IS.
Trong khi quân đội Iraq bị Mỹ chê tơi tả là “thiếu ý chí chiến đấu”, dân quân người Shia là con bài cuối cùng mà chính phủ Iraq có thể trông đợi để ngăn chặn làn sóng tấn công của IS. Và cho đến nay, riêng tại tỉnh Anbar, các binh sĩ quân đội chính phủ hoàn toàn “lép vế” trước lực lượng dân quân đông đảo.
Hiện dân quân Shia đang tập trung lực lượng để tấn công vào Fallujah, bởi theo lời ông Hadi al-Amiri, chỉ huy Lực lượng Tổng động viên, giải phóng được Fallujah sẽ mở toang cánh cửa tiến vào Ramadi mà không cần phải đổ quá nhiều máu.
Trong khi Mỹ đang chuẩn bị đưa thêm 450 cố vấn quân sự tới Iraq, lực lượng dân quân người Shia cho rằng các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu chỉ gây bất lợi cho các nỗ lực chống IS của họ, còn chính phủ và quân đội Iraq thì lại kêu gọi càng nhiều sự giúp đỡ của quốc tế càng tốt.
Cho đến nay, Lực lượng Tổng động viên đang đóng vai trò chủ chốt trong nhiều trận chiến chống IS, và chiến lược của họ đang ngày càng tỏ ra khác biệt so với quân đội chính phủ. Trong khi các binh sĩ Iraq chủ yếu dựa vào các cuộc không kích của Mỹ nhưng không mấy thành công, lực lượng dân quân này lại cho rằng bom Mỹ chỉ gây cản trở cho họ, thậm chí khiến nhiều chiến binh của họ thiệt mạng.
Ông al-Amiri tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của việc Mỹ đưa thêm 450 cố vấn tới Iraq để chống IS. Ông nói: “Trong giai đoạn 2006-2007, Mỹ có tới 150.000 quân, hàng ngàn xe tăng, pháo cối, hàng trăm máy bay, thế nhưng họ vẫn chẳng làm được gì với al-Qaeda”.
Dù chưa có con số thống kê chính thức về quân số của Lực lượng Tổng động viên, nhưng họ được cho là đang chiếm đa số trong lực lượng chống IS ở Iraq, và trên nhiều mặt trận, binh sĩ Iraq với số lượng ít hơn rất nhiều đều phải dựa cả vào lực lượng này để đẩy lùi các cuộc tấn công của IS.
Lực lượng Tổng động viên Iraq được cho là được cố vấn, huấn luyện và hậu thuẫn bởi Vệ binh Cách mạng Iran, nhưng về chính thức, họ chỉ nhận trợ giúp từ chính phủ Iraq và không hề có liên hệ gì với Mỹ, bởi vậy đây được cho là “con ngựa bất kham” mà Mỹ không hề có dây cương để kiểm soát.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng với việc quân đội Iraq quá dựa dẫm vào dân quân người Shia để đẩy lùi phiến quân IS, nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến sắc tộc đẫm máu giữa người Shia và người Sunni, đẩy tình hình Iraq vào một vòng xoáy bạo lực mới.