Dân Việt

Doanh nghiệp Việt Nam: Mong manh trước hội nhập

Người lao động 15/06/2015 10:00 GMT+7
Gần 70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không có lãi dù đóng góp gần 50% cho tăng trưởng GDP, điều này đang làm dấy lên lo lắng khi Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng vào cuối năm nay

Ts Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng về lâu dài, khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực tăng trưởng chính nhằm bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và sự kết nối có hiệu quả giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội địa. Việt Nam đang thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa để kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc trực tiếp tham gia thị trường quốc tế.

Bị “bao vây tứ phía”

Có mặt trên thị trường đã hơn 30 năm và 14 năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng thương hiệu giấy Kissme của Công ty CP Mai Lan đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trước làn sóng đầu tư của DN FDI trong phân khúc giấy tiêu dùng khiến nhiều thương hiệu trong nước không trụ nổi trên quầy kệ các siêu thị, trung tâm thương mại.

 

img

Sản xuất thực phẩm chế biến tại một doanh nghiệp ở quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Mai Lan, ông Phạm Như Bách, cho biết trước đây, giấy Mai Lan xuất hiện ở nhiều siêu thị nhưng gần đây, chi phí đưa hàng vào siêu thị cao, bị cạnh tranh gay gắt từ các “ông lớn” FDI nên giấy Kissme phải dạt ra ngoài, về các chợ hoặc qua kênh phân phối là đại lý bán hàng.

“Khoảng 3-4 năm nay, chúng tôi chỉ duy trì, cầm cự sản xuất để nuôi công nhân chứ không đủ nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị. Muốn đầu tư phải có vốn, có đầu ra sản phẩm ổn định nhưng đầu ra ngày càng hẹp vì bị cạnh tranh gay gắt quá!” - ông Bách buồn bã.

Theo các chuyên gia kinh tế, những DN vừa và nhỏ như Mai Lan đang bị “bao vây tứ phía”. Hàng phổ thông thì cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, thậm chí còn dán nhãn mác Việt rồi bán ra thị trường với giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng bỏ ngỏ. Một số cơ sở trong nước sản xuất nhỏ lẻ, trốn thuế, làm hàng không nhãn mác… cũng cạnh tranh với hàng của DN làm ăn chân chính.

“Theo các cam kết WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành giấy sẽ được bảo hộ thêm vài năm trước khi giảm thuế về 0% nhưng DN trong nước e là không cạnh tranh nổi. Nhiều người bảo DN nội không ý thức được việc phải cạnh tranh để tồn tại. Thật ra, chúng tôi đều nhìn thấy cả, có điều thấy nhưng không lo được...” - ông Bách ưu tư.

Ngại đầu tư vì lãi suất cao

DN nội muốn cạnh tranh, trước hết phải đầu tư đổi mới công nghệ. Muốn vậy phải có vốn, có đầu ra sản phẩm mới dám làm.

Nhiều DN thừa nhận thời điểm thị trường phát triển, lãi suất vay vốn ngân hàng (NH) lên đến 12%-15%/năm nhưng DN vẫn “sống” được, nay lãi suất chỉ 9%-10%/năm thì DN lại nhát tay. Một mâu thuẫn là dù biết rằng để không bị loại khỏi cuộc chơi thời hội nhập, DN phải tìm lối ra để phát triển nhưng giờ chỉ hoạt động cầm cự thì làm sao có phương án đột phá? Muốn vay vốn đổi mới công nghệ phải có khoản vốn đối ứng trong khi nhiều năm qua, DN làm ăn không có tích lũy.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho rằng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay rất khó đòi hỏi lãi suất vay trung, dài hạn thấp hơn nữa. DN ông cũng không dám vay thêm vốn NH để đầu tư mở rộng sản xuất dù cơ hội với ngành trứng gia cầm là rất lớn, nhất là khi Công ty Vĩnh Thành Đạt đang có ý định mở rộng thị trường xuất khẩu với mặt hàng trứng ăn liền.

“Lãi suất 10%/năm vay dài hạn nhưng thường NH chỉ cố định trong năm đầu tiên, các năm sau biến động theo thị trường mà DN lập dự án phải tính toán các chi phí đầu vào nên không dám mạo hiểm với lãi suất” - ông Đạt giải thích.

So sánh với các nước trong khu vực, DN Việt càng thêm tủi. DN của Thái Lan, Indonesia, Malaysia... vay vốn đầu tư trung, dài hạn lãi suất chỉ khoảng 1%/năm và năng suất lao động cao. Việt Nam nổi tiếng có nhân công giá rẻ nhưng năng suất lao động so với khu vực lại không bằng. Gần đây, làn sóng DN FDI vào Việt Nam đầu tư để hưởng ưu đãi từ các FTA ngày càng nhiều khiến DN trong nước lo lắng “chảy máu” nhân sự.

“Bao nhiêu nhân sự giỏi, có trình độ cao cấp đều “chạy” sang khối FDI vì họ trả lương cao hơn hoặc môi trường làm việc tốt hơn. Không thể trách người lao động nhưng DN Việt thua thiệt đủ thứ thì làm sao đứng vững trong hội nhập? Cuối năm nay thôi, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, tôi nghĩ bức tranh cạnh tranh giữa DN trong nước với DN FDI sẽ rõ nét” - tổng giám đốc một DN cơ khí bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều DN vừa và nhỏ sẽ tiếp tục bị dồn vào thế yếu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vì khả năng cạnh tranh của họ không có, trong khi sự hỗ trợ của Chính phủ trong vay vốn, tiếp cận các chính sách còn yếu, không nhiều đơn vị được hưởng lợi.

Chưa sòng phẳng

Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, các chính sách của Việt Nam quá ưu đãi cho DN FDI trong khi khối DN tư nhân trong nước bị bỏ rơi. Thu hút vốn FDI là rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng DN trong nước cũng cần sự hỗ trợ của nhà nước.

“Nếu chỉ ưu ái cho DN FDI về chính sách thuế, đất đai, thủ tục hành chính nhanh chóng, còn DN trong nước lại không bằng là chưa sòng phẳng. Phải nâng đỡ cả DN trong nước bằng các chính sách thông thoáng, thủ tục nhanh gọn để tạo môi trường cạnh tranh công bằng” - ông Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.