Đó là những nội dung chính của thỏa thuận Hợp tác chiến lược Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 giữa Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và tỉnh Lâm Đồng vừa được ký kết ngày 13.6.
Để nông dân không phải đổ sữa ra đường
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng: Từ năm 2008 đến 2014, sản lượng thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk tại Lâm Đồng tăng gấp gần 6 lần, từ 3.000 tấn lên tới hơn 16.000 tấn. Đây cũng là đơn vị thu mua nhiều nhất (70%) trong số 3 đơn vị (gồm Vinamilk, Đà Lạt milk và Công ty FrieslandCampina Việt Nam) đang có hoạt động “bao tiêu” nguồn nguyên liệu sữa tươi cho nông dân Lâm Đồng.
Cũng theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng: Trong 2 năm qua, tổng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng tăng gấp đôi, từ 7.000 con (2013) đến nay đã tăng lên tới 15.410 con (tháng 6.2015), cung cấp lượng sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày lên tới 120 tấn. Đây cũng là tiền đề để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trở thành chủ lực trong cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ký kết hợp tác Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 với Công ty Vinamilk.
Theo đó, nhiều ràng buộc giữa hai bên được ký kết sẽ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân tỉnh Lâm Đồng như: UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng 2-3 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung với quy mô khoảng 10.000 con; trang trại này sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nguồn tinh bò… cho các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho công ty xây dựng các trung tâm thu mua, trung chuyển sữa tươi nguyên liệu...
Đồng thời, Vinamilk cam kết sẽ thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do nông dân Lâm Đồng sản xuất. Đặc biệt, khi sản lượng sữa tươi của Lâm Đồng đạt trên 200 tấn/ngày thì Vinamilk sẽ xem xét đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sữa trên địa bàn tỉnh với công suất tương đương. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho người nông dân Lâm Đồng yên tâm sản xuất, nhất là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người nông dân phải nuôi bò phải đổ sữa”- ông Trịnh Quốc Dũng- Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk khẳng định.
Biến Lâm Đồng thành vùng nguyên liệu sữa lớn
Ngoài những cam kết về đầu tư xây dựng trạm thu mua, nhà máy chế biến, thu mua sữa bò nguyên liệu…; tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất nhiều giải pháp với Vinamilk để từng bước biến Lâm Đồng thành vùng nguyên liệu sữa lớn của cả nước. Ông Nguyễn Văn Yên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bộc bạch: Theo tính toán của tỉnh, hiện nay 1 hộ dân nuôi 5 con bò sữa thì hoàn toàn có thể đảm bảo cuộc sống sung túc, có dư để nuôi 2 con học ĐH. Thực tế việc nuôi bò sữa hiện nay góp phần ổn định cuộc sống cho hơn 1.500 hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên hiện tại mô hình liên kết chỉ là giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nên thường dẫn đến rủi ro về hợp đồng, tỉnh đề nghị Vinamilk xem xét mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (khoảng 100 hộ/HTX) và nông dân. Đây là mô hình không chỉ giúp cho doanh nghiệp dễ quản lý hợp đồng mà về phía quản lý nhà nước của tỉnh cũng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Vinamilk tổ chức liên kết nguồn nguyên liệu cỏ tươi với nông dân vì theo tính toán, trồng cỏ tươi ở đây tốt hơn trồng lúa nhiều, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo nguồn cỏ cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Vinamilk trong thời gian tới. “Nếu trồng lúa, 1ha cho khoảng 7 tấn x 5.000 đồng/ký thì chỉ cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng. Còn nếu trồng cỏ thì 1ha cho khoảng 200 tấn cỏ x 700 đồng/kg thì có thu nhập tới gần 140 triệu”- ông Yên tính toán.
Trước những đề nghị của tỉnh Lâm Đồng, ông Trịnh Quốc Dũng- Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, cho biết: Chúng tôi sẽ xem xét và sẽ có chiến lược đầu tư hợp lý. Tuy nhiên trước mắt thì người nông dân Lâm Đồng cũng phải thay đổi tư duy, tuân thủ quy định về VSATTP, tuân thủ hợp đồng đã ký kết… Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng và yên tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng nên đặt mục tiêu phát triển ngành bò sữa dài hạn hơn. Tôi ví dụ ở TP.HCM quỹ đất không có nhiều nhưng lại phát triển đàn bò sữa tới hơn 100.000 con thì tại sao Lâm Đồng không làm được?