Sau này lớn lên, tôi mới được biết loài hoa thiên lý của miền Bắc Việt Nam này đã được cư dân ở nhiều nước biết đến bằng cái tên gọi gắn với xứ sở Tonkin creeper.
Lúc còn nhỏ chỉ được nghe người lớn nhắc tới bằng cái tên “dạ lý hương” bởi hương hoa chỉ xuất hiện vào ban đêm. Những chùm hoa thiên lý mang sắc vàng nền nã, thả dáng yêu kiều mềm mại trước hiên nhà đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi. Một khoảng sân nóng nực, khô cằn ngày nào còn khai khẩn, vỡ đất đã trở nên mát rượi và thân thương đến lạ.
Sau này nhà tôi chuyển qua mấy nơi, vì diện tích chật hẹp nên chẳng có được khoảng sân trước nhà. Nhưng nhớ lời kể của bà nội, tôi cũng trồng một dây thiên lý trên ban công tầng hai. Bởi vậy mà cũng có được giàn hoa ấy, dù không thể xanh tốt như ngày xưa.
Nhớ một lần, chạy xe giữa ngày hè nắng gắt, tôi dừng lại vào uống nước trong quán nhỏ đơn sơ bên đường. Trước hiên nhà của quán cũng có giàn thiên lý đang độ nở hoa rất đẹp. Đâu đó vọng lại âm thanh của chiếc đài radio - cassette đang mở bài hát có những câu rất quen “nhà tôi ở phía chân đồi, có giàn thiên lí có người tôi yêu”. Bà cụ vừa trông nom quán nước, vừa đang xào món hoa thiên lý với thịt bò khá thơm. Trò chuyện với cụ tôi mới được hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh, hai ông bà đã mang theo giống hoa ấy suốt chặng đường sơ tán. Dù ở nơi “thâm sơn cùng cốc” hay dưới làn bom đạn hoa thiên lý vẫn nở vào mỗi độ hè sang. Sau câu chuyện vui, bà cụ hứa sẽ cho tôi giống hoa ấy để trồng trên khoảng sân của ngôi nhà mới.
Mong rằng, sẽ lại có một ngày cả nhà tôi được quay quần dưới giàn hoa thơm mát như ngày nào, để cùng thưởng thức những món ăn mang đậm hương sắc của hoa Lý. Quả đúng như câu người đời thường nói: “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.