Mất ngàn tỷ nửa năm
Đứng rất lâu ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đình Long (bầu Long), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát đã sẵn sàng tâm lý soán ngôi vị thứ 2 của bầu Đức.
Trong giai đoạn sẵn sàng bứt phá giúp bầu Long trở thành người giàu thứ 2, cổ phiếu HPG bỗng chốc “tuột dốc” kể từ khi Hòa Phát phát hành thêm cổ phiếu.
Cụ thể, Hòa Phát đã phát hành thành công 97,7 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 20% cho 7.287 cổ đông. Bên cạnh đó, công ty còn phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30% là 146,6 triệu đơn vị. Như vậy tổng số lượng cổ phiếu mà Hòa Phát vừa phát hành lên tới 244,3 triệu cho cổ đông, tương ứng 50%.
Sau khi Hòa Phát điều chỉnh tăng tổng lượng cổ phiếu lưu hành, giá HPG điều chỉnh từ 43.800 đồng/CP xuống 28.500 đồng/CP. Sau đó, HPG rơi vào xu hướng giảm. Và “đáy” của cổ phiếu này là 24.800 đồng/CP của ngày 18/5.
Ông Trần Đình Long
Với mức “đáy” này, tài sản của ông Long chỉ còn 4.323,31 tỷ đồng. Sau khi xuống “đáy”, HPG phục hồi nhẹ nhưng vẫn giằng co mạnh. Phải tới khi có thông tin bầu Long “cứu giá”, HPG mới bật dậy.
Cụ thể, đầu tháng 9, Hòa Phát công bố bầu Long đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HPG nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 15/6 đến 14/7 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Dự kiến, bầu Long dành khoảng 270 tỷ đồng cho vụ mua bán này.
Như vậy, nếu giao dịch này thành công, cá nhân bầu Long sẽ nâng tiếp sở hữu lên hơn 184,3 triệu cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 25,15%, còn tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông được nâng lên tới 32,49%.
Thông tin này tác động tích cực đến HPG, giúp HPG nhanh chóng phục hồi. Dù vậy, mức giá mà HPG đạt được vẫn khá thấp, chỉ 28.600 đồng/CP. Với mức giá này, tài sản của ông Long đạt 4.976 tỷ đồng. Như vậy, so với cuối năm 2014, bầu Long mất 1.125 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG không nhận được sự quan tâm nhiều từ nhà đầu tư khi Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 1/2015 không lạc quan như kỳ vụ. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong quý đầu năm 2015 chỉ đạt 5.838 tỷ đồng và 650 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khối ngoại “lướt sóng”
Khi cổ phiếu HPG giảm sâu, khối ngoại không “trung thành” mà tìm cơ hội “lướt sóng”. Sau khi bán ra 1 triệu cổ phiếu HPG vào cuối năm 2014, Private Equity New Markets II K/S công bố bán tiếp 4 triệu HPG nhưng tới tháng 1/2015, Private Equity New Markets II K/S cho biết kế hoạch này không thành công.
Theo chân, Private Equity New Markets II K/S, Vietnam Infrastructure Investment Ltd đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu HPG. Thương vụ này khiến người ta khá ngạc nhiên khi cùng một lúc, đơn vị có liên quan đến Vietnam Infrastructure Investment Ltd là VOF Investment Ltd đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HPG.
Trước giao dịch, VOF Investment Ltd đang nắm giữ gần 25,8 triệu cổ phiếu HPG tương đương tỷ lệ 5,27%. Nếu giao dịch thành công, quỹ này sẽ nâng lượng sở hữu tại HPG lên 29,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 6,09%).
Bên cạnh đó, việc bầu Long sẵn sàng chi 270 tỷ đồng mua vào 10 triệu cổ phiếu HPG nhưng phải cầm cố cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với hạn mức 600 tỷ đồng cũng không phải việc làm “lấy lòng” được nhà đầu tư.