Dân Việt

Chống nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc: Không thể chậm trễ hơn

08/07/2013 10:47 GMT+7
(Dân Việt) - Trước tới nay nhiều thông tin cho rằng, mỗi năm có khoảng xấp xỉ 700 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu sang Việt Nam, tuy nhiên có ý kiến cho rằng con số đúng phải gấp 7-8 lần như thế.

Đứng ngồi không yên trước sự “tấn công” ồ ạt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, ngày 7.7 một loạt đơn vị gồm Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Hội Nghề cá Việt Nam (VN), Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, Hiệp hội Cá nước lạnh VN và các doanh nghiệp đã bàn giải pháp cứu cá tầm trong nước.

Tiêu thụ gần 5.000 tấn cá tầm nhập lậu/năm

img
Việc nhập lậu cá tầm đã ảnh hưởng đến các cơ sở chăn nuôi cá tầm trong nước (ảnh chụp tại Phong Thổ, Lai Châu).

Ông Trần Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, mỗi ngày lượng cá tầm lậu từ Trung Quốc vào VN lên đến 10-15 tấn, trong đó lượng vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TP.HCM khoảng 3-5 tấn/ngày”. Từ trước tới nay nhiều thông tin cho rằng, mỗi năm có khoảng xấp xỉ 700 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu sang VN, tuy nhiên ông Lê Anh Đức - Tổng Giám đốc Tập đoàn Cá tầm VN khẳng định: “Con số đó hoàn toàn không đúng, cá tầm Trung Quốc nhập lậu sang VN phải gấp 7-8 lần như thế, tương đương 4.000 – 5.000 tấn/năm. Trong số đó thị trường phía Nam tiêu thụ từ 60 – 70% con số đó”.

Theo đánh giá của ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá VN: “Cá tầm VN có tiềm năng rất lớn với tổng sản lượng có thể đạt khoảng 5.000 tấn mỗi năm, vậy nhưng hiện nay chỉ mới đạt từ 800 – 1.000 tấn. Việc cá tầm Trung Quốc nhập lậu đang phá hoại định hướng phát triển cá tầm VN, nếu tình trạng này kéo dài, chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi cá tầm VN sẽ chính thức chết ngay tại “sân nhà”, hiện giờ đang ngắc ngoải rồi”.

Về phương thức đưa cá tầm lậu vào VN, ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đầu tư Việt Đức tiết lộ: “Hiện nay đang tồn tại 2 hình thức nhập lậu, thứ nhất người ta chuyển trực tiếp cá từ Trung Quốc qua biên giới đến các cơ sở tiêu thụ ở VN; thứ 2 là dùng các trại nuôi VN có sẵn để đưa cá Trung Quốc vào đó nuôi một thời gian rất ngắn nhằm hợp thức hóa “quốc tịch” cho cá tầm, sau đó đưa đi tiêu thụ từ Bắc chí Nam. Mô hình này rất nguy hiểm, họ đưa người Trung Quốc sang, đưa giống, thức ăn, công nghệ nghệ sang.

Còn chậm trễ ngăn chặn

Trước thực trạng cá tầm Trung Quốc nhập lậu tung hoành, ảnh hưởng lớn đến định hướng xuất khẩu sản phẩm cá tầm, các tổ chức gồm Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Hội Nghề cá VN, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, Hiệp hội Cá nước lạnh VN cùng các DN cá tầm trong nước cho rằng, ngành chức năng phải nhanh chân vào cuộc hơn nữa trong ngăn chặn cá tầm nhập lậu.

Ông Trần Yên – Giám đốc Công ty Thủy sản Miền Bắc (Lai Châu) chia sẻ: “Đầu tháng 5.2013, tôi phát hiện thấy một doanh nghiệp trong vùng có triển khai nhập cá tầm Trung Quốc về và thậm chí còn đưa người Trung Quốc, thức ăn Trung Quốc, công nghệ nuôi Trung Quốc về để mở rộng mô hình nuôi. Tôi đã báo ngay với lãnh đạo huyện, Sở NNPTNT Lai Châu để làm rõ nhưng sở không có ý kiến gì. Sau đó tôi trình bày với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám và ông cho biết sẽ cử đoàn Thanh tra pháp chế Tổng cục Thủy sản lên làm việc. 10 ngày sau khi đoàn làm việc xong, tôi không thấy có ý kiến phản hồi hay xử lý gì. Nếu không xử lý nhanh, nghề nuôi cá nước lạnh trong nước sẽ chịu nhiều ảnh hưởng”.

Nhiều siêu thị bán cá tầm Trung Quốc nhập lậu

Ông Lê Anh Đức - Tổng Giám đốc Tập đoàn Cá tầm VN khẳng định: “Hầu hết các siêu thị có bán cá tầm đều là cá tầm Trung Quốc nhập lậu. Ngay ở hệ thống Metro hiện nay đang nhập 1 tháng ít nhất 50 – 70 tấn cá tầm, trong khi ở miền Bắc này không có quá 30 – 40 tấn cá tầm mỗi tháng thì làm sao có đến 50 – 70 tấn để cung cấp cho Metro?”.

Việc quản lý cá tầm nhập lậu theo ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá VN: “Không hề khó khăn, chúng ta thừa sức làm được, điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước có chịu làm, có muốn làm hay không? Chúng ta có đầy đủ lực lượng làm chuyện này, từ quản lý thị trường, công an, biên phòng, cho đến hải quan, lực lượng kiểm dịch thú y… Chúng tôi đề nghị Nhà nước làm rõ chuyện này, tại sao không ngăn chặn kiểm soát được thực trạng trên?”.

Còn ông Trần Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng bức xúc đề nghị: “Trong Quyết định 57 công bố các danh mục về cá nước lạnh, trong đó cá tầm Trung Quốc thì có, nhưng cá tầm Nga thì không, trong khi cá tầm Nga (giá trị cao) đã được VN nuôi cả 10 năm nay rồi. Tôi không hiểu vì sao lại như thế? Cần đưa cá tầm Nga vào danh mục, Hiệp hội Cá tầm nước lạnh đã gửi đề nghị lên bộ nhiều lần rồi. Để phát triển cá tầm, Nhà nước cần có chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng cá nước lạnh, hiện nay chưa có, rồi chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa có”.