Dân Việt

Tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2: Ngang nhiên, trắng trợn

11/06/2011 06:19 GMT+7
(Dân Việt) - Hãng tin BBC dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng: “Hành động của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam...".

BBC cũng giật dòng tít phụ “Ngang nhiên và trắng trợn” khi nói về vụ tàu Viking 2. BBC đưa tin, đây là lần thứ 2 trong vòng hai tuần tàu Trung Quốc bị cáo buộc phá hoại thiết bị của tàu thăm dò địa chấn dầu khí Việt Nam.

img
Tàu Trung Quốc bỏ chạy sau khi cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking 2.

Cần có quy tắc ứng xử ở biển Đông

Ngay sau khi vụ việc tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VN ngày 9.6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene cho rằng: “Tình trạng gia tăng các sự cố trên biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), để những gì đã thống nhất được thực thi đầy đủ”.

Ông Tene cho biết vấn đề biển Đông cũng chính là trọng tâm của tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng, trong đó, kêu gọi các bên tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, thúc đẩy việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tờ Bưu điện Jakarta dẫn lời ông Tene cho rằng: "Tất cả các bên phải tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc và tránh dùng các biện pháp có thể dẫn tới bạo lực leo thang”.

Thời gian gần đây, nhiều nước liên tiếp tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc và nói rằng họ chỉ sử dụng bạo lực khi bị tấn công. Hãng tin AP đưa tin, Trung Quốc còn đòi các nước láng giềng bỏ ý định tìm kiếm dầu mỏ gần quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp. Tuy nhiên quan điểm này được giới quan sát bình luận là cách để Trung Quốc nhảy vào khai thác ở nơi thuộc chủ quyền của nước khác.

Thuốc thử cho ASEAN?

Giám đốc Viện Quốc phòng và Nghiên cứu An ninh Indonesia Connie Rahakundini Bakrie nhận định tranh cãi ở biển Đông là một bài thử cho ASEAN về không gian biển ở Đông Nam Á. Trong khu vực này có tới 60 điểm tranh chấp và chỉ 20% trong số này được giải quyết. Chuyên gia Andi Widjajanto thuộc ĐH Indonesia bình luận rằng những vụ việc gần đây chứng tỏ ý định hành động đơn phương của Trung Quốc, cho dù họ vẫn tuyên bố là sẽ đàm phán hòa bình.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 9.6 cho biết, một hạm đội hải quân của nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên tại vùng biển quốc tế ở phía Tây Thái Bình Dương từ giữa cho đến hết tháng 6. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cùng ngày cho biết đã có 11 tàu hải quân Trung Quốc chạy qua vùng biển nằm giữa 2 đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản trong 2 ngày (8 và 9.6).

Trước đó, tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 8 đã diễn ra ngày 8.6 tại Indonesia, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới COC trong thời gian sớm nhất.

Trung tướng Vịnh cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các đề xuất thiết thực và mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro về việc cuối năm nay sẽ có bước tiến mới về COC và của Thủ tướng Campuchia Hunsen mong muốn COC sẽ được ký kết năm 2012 tại Campuchia, nhân kỷ niệm 10 năm DOC. Tuy nhiên, trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, thì tất cả những tranh chấp, bất đồng trong vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.