Những hành vi này của Trung Quốc gây trở ngại mới cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng thách thức cả các quốc gia ven biển Đông nói riêng và cả ASEAN nói chung.
Những vi phạm của Trung Quốc ở khu vực thềm lục địa 200 hải lý thuộc chủ quyền của Việt Nam là rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Đã có không ít người cho rằng Trung Quốc đang thực hiện một kiểu “phép thử”: Thử xem Việt Nam phản ứng đến đâu; thử xem các quốc gia khác liên quan trực tiếp như Philippines hay Malaysia bày tỏ thái độ thế nào; thử xem Mỹ lựa chọn ra sao giữa quan hệ với Trung Quốc vào bảo vệ những lợi ích trực tiếp ở biển Đông cũng như trong quan hệ của Mỹ với các đối tác ở khu vực; thử xem ASEAN có đoàn kết và đồng thuận trong nội bộ hay không mỗi khi Trung Quốc gây sự với một quốc gia thành viên và bất chấp Quy tắc về các ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN đã khởi xướng và Trung Quốc đã tham gia.
Lên trên hết là Trung Quốc thử xem Việt Nam, khu vực và thế giới sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc có những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 với ý đồ biến khu vực không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thành khu vực có tranh chấp để từ đó dùng tranh chấp để thực hiện đường yêu sách “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vốn bị tất cả các đối tác khác và các bên liên quan kiên quyết phản đối và hoàn toàn bác bỏ.
Những phân tích và đánh giá như thế không phải không có cơ sở và thậm chí đã được thẩm định trong chừng mực nhất định khi Trung Quốc để cho tàu ngư chính yểm trợ tàu đánh cá cản phá hoạt động thăm dò của tàu Viking 2 của Việt Nam trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam ngày 9.6 vừa qua, sau khi Trung Quốc gây sự với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam ở khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Việc bảo vệ an toàn cho người dân và an ninh cho các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực thuộc phạm vi chủ quyền được pháp lý quốc tế công nhận là chính đáng và cần thiết.
Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng luôn coi trọng tất cả những thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc về biên giới lãnh thổ nói riêng và về quan hệ song phương nói chung, trong đó có việc thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận nhất trí và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về xử lý các vấn đề trong quan hệ song phương, đặc biệt về việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh thông qua thương lượng hòa bình.
Rất tiếc là phía Trung Quốc đã không làm như thế trong vụ việc gây hấn với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 và tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam trong khu vực thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Những hành vi nói trên của Trung Quốc trong những ngày vừa qua ở biển Đông là không thể chấp nhận được cũng vì thế.
Lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy đe dọa và sử dụng bạo lực, lấn lướt và uy hiếp không đưa lại giải pháp lâu bền cho các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, không giúp tạo dựng biên giới hòa bình và hữu nghị, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cùng có lợi giữa các nước láng giềng và các quốc gia trên thế giới.
Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các quốc gia và khu vực lãnh thổ trên thế giới, luôn chủ trương giải quyết tất cả các vấn đề bằng đàm phán và đối thoại hòa bình, luôn rất coi trọng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng có truyền thống luôn sẵn sàng làm tất cả và hy sinh tất cả để giữ vững chủ quyền quốc gia và bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Triệu Anh Túc