Mạnh dạn chuyển đổi
Huyện Tiên Lãng có một vùng trồng dưa hấu chuyên canh, tập trung tại xã Tiên Cường. Ở Tiên Cường, dưa hấu lại chủ yếu tập trung tại thôn Đại Công. Hầu hết các hộ trong thôn đều trồng dưa hấu.
Các ruộng dưa hấu của ông Khiêm được trồng nhiều đợt gối nhau để tránh thu hoạch rộ vào cùng một thời điểm...
Mùa này về Đại Công, cả cánh đồng mênh mông trắng lóa bạt phủ trồng dưa hấu. Vụ dưa đầu năm vừa mới bắt đầu. Những cây dưa nhỏ xíu, cao chừng vài cm, có từ 3 - 5 lá thật, đang vươn lên từ những cái lỗ đục thành hàng trên bạt. Nhưng chưa đầy 2 tháng nữa, những cây con sẽ cho thu hoạch.
Thôn Đại Công nằm bên bờ sông Luộc. Đây là vùng đồng trũng, thường bị ngập úng. Trồng lúa rất cực nhọc mà cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi. Từ năm 2002, gia đình ông Khiêm mạnh dạn đầu tư bơm cát từ sông vào, tôn nền, đánh luống trồng dưa hấu và khoai tây.
Ông Khiêm cho biết, từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, ông trồng 3 vụ dưa hấu liền nhau, từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch, trồng khoai tây Atlantic. Ông cười: “Đúng là không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta…”.
Gặp ông đang đi phun thuốc phòng ngừa sương mai trên ruộng dưa, ông bảo, trồng dưa hấu như chăm con mọn vậy. Vì cây sinh trưởng rất nhanh nên phải thăm nom, chăm sóc luôn luôn.
Kỹ thuật sử dụng vải bạt (plastic) mới được nông dân ở đây ứng dụng từ năm 2010. Ông Khiêm cho biết, trước đây khi chưa có loại vải bạt này, gia đình ông và bà con trong xã phải trải rơm rạ lên luống.
Khi đó, cỏ dại quá nhiều, dọn không xuể, bón phân cho dưa thì cỏ ăn hết, phun thuốc diệt cỏ thì dưa chết, quả tiếp xúc với đất dễ bị hỏng. Nhất là khi mưa bão, quả nổ hết.
Ông Khiêm vui vẻ kể, bây giờ may mắn có bạt phủ trồng dưa, hạn chế được cỏ dại, côn trùng phá hại, nấm bệnh, đất giữ được phân bón lại không bị xói mòn, cây phát triển mạnh, cho năng suất và chất lượng vượt trội.
Mỗi lỗ đục trên bạt là một cây, các cây cách nhau khoảng 0,4m. Khi cây được 3 lá thật thì ngắt ngọn cho ra nhánh mới. Mỗi cây chỉ lấy 3 nhánh. Đến khi cây cho quả bằng cái chén thì bắt đầu tuyển quả. Mỗi cây chỉ chọn một quả cân đối, khỏe mạnh nhất để giữ lại, ngắt bỏ những quả khác.
Ông Khiêm nghiên cứu kỹ thuật trồng giống dưa mới
Chỉ 1 tháng sau khi thụ phấn là dưa cho thu hoạch. Quá trình chăm sóc còn phải dùng ghim bằng tre để cố định dây, chống bão gió.
Hoa của đất
Có lẽ giống dưa hợp với đồng đất nơi đây, lại được phù sa sông Luộc bồi đắp, cây dưa hấu của Đại Công cho quả rất ngọt, mọng nước, lại đẹp mã: vỏ cứng mà mỏng, bên ngoài căng tròn, láng bóng, bên trong ruột đỏ tươi.
Trung bình 3 - 4 kg/quả, nhưng cũng có những quả lớn nặng tới 7 - 8 kg, nhiều người ưa chuộng mua để làm quà biếu.
Vụ dưa hấu cuối năm 2014, được mùa, được giá. Mỗi sào ông trồng được 300 - 400 cây, cho sản lượng khoảng 1,5 tấn. Thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 10.000 đ/kg. Trừ chi phí, ông thu lãi trên 10 triệu đ/sào. Vào thời điểm rớt giá, thấp nhất là 5.000 đ/kg, dưa nhà ông vẫn cho lãi khoảng 5 triệu đ/sào.
Chất lượng dưa đã được khẳng định, “thương hiệu” dưa Đại Công đã được người tiêu dùng biết tiếng, chưa bao giờ dưa hấu của gia đình ông gặp khó khăn khi tiêu thụ. Đến mùa thu hoạch, dưa thu hái được bao nhiêu, thương lái thu mua bấy nhiêu.
Với thắng lợi từ các vụ dưa hấu, gia đình ông Khiêm thử nghiệm trồng 4 vụ dưa hấu trong năm nhưng vụ đông giá rét, cây dưa không “trụ” được.
Vậy là ông mạnh dạn đưa giống khoai tây Atlantic vào trồng vụ đông. Năng suất khoai tây có năm đạt 1 tấn/sào. Khoai tây được Cty TNHH Thực phẩm Orion Vina bao tiêu toàn bộ với giá khoảng 6.000 - 7.000 đ/kg. Mỗi vụ khoai tây, ông thu lãi từ 20 - 30 triệu đ.
Theo ông Khiêm, trồng luân canh 4 vụ màu, gia đình ông thu nhập hơn 5 - 7 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, công việc chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn và thời gian quay vòng đất nhanh hơn.
Trong các năm 2012, 2013, với 8 sào ruộng, ông Khiêm thu lãi từ 160 - 165 triệu đồng. Năm 2014, dưa hấu được giá hơn những năm trước, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng...