Tôi còn nhớ, để chế biến món canh măng chân giò nấm mối này, trước hết, má dùng dao bén lột bỏ vỏ măng, lấy phần nõn, chẻ đôi rửa sạch. Tiếp đến, má dùng bàn bào, bào măng thành miếng mỏng rồi cho vào nồi nấu chín, vớt măng ra ngâm vào thau nước lạnh (bí quyết để măng có độ giòn) cho ra rổ, để ráo.
Với nấm mối, má dùng dao bén gọt sạch chân nấm, chẻ đôi (nếu tai nấm lớn) rửa nhẹ tay bằng nước muối pha loãng, để ra rổ cho ráo. Má bắc chảo lên bếp, phi dầu (mỡ), tỏi thơm cho nấm mối vào xào chín, nêm muối ớt (không nêm nước mắm vì mất đi hương vị đặc trưng) cho vừa khẩu vị, múc ra tô để sẵn.
Riêng, chân giò làm sạch, má chặt thành từng khoanh dầy, cho chân giò và măng tươi (đã sơ chế) vào nồi ninh với nước dừa xiêm pha cùng một ít nước lã (khoảng 1,5 lít) trong vài giờ (nhớ hớt bọt để nước dùng được trong). Dùng đũa xăm thử thấy chân giò mềm, má mới cho nấm mối vào sau cùng, nêm gia vị (muối + bột ngọt + bột nêm + một ít đường) cho vừa khẩu vị, nhắc xuống. Và, má cũng không quên thêm một ít hành lá xắt khúc, một ít ngò rí vào, kèm thêm dĩa nước mắm ngon nguyên chất là xong!.
Để có món canh măng giò heo nấm mối tuyệt hảo, theo má khi chọn măng phải là măng Mạnh Tông, vì khi chế biến măng có màu trắng, giòn, ngọt (măng tre tàu màu vàng, vị đắng không ngon!). Riêng chân giò phải là chân giò sau (có nhiều thịt), và nhớ ninh giò với nước dừa xiêm trong nhiều giờ để da và gân heo nở mềm, có vị ngọt, mới ngon!. Chính cái gân heo deo dẻo, beo béo là phần tinh túy nhất, đừng sợ tốn hao củi lửa, nấu không mềm, ăn không được, rất phí.
Còn mấm mối – chất phụ gia độc đáo có một không hai, giúp cho nồi canh ngọt, thơm một cách lạ lùng không món canh nào sánh kịp. Nấm mối phải là nấm còn tươi, búp, chưa bung dù, cắn một miếng vào miệng “tê tái” cả chân răng!.. Lời dạy của má, đến nay tôi vẫn còn ghi nhớ và món canh giò heo hầm măng nấm mối của má vẫn là món “độc chiêu” được cả gia đình tán thưởng!...
Nếu có dịp tham quan Bến Tre vào những thời điểm nêu trên, mời bạn hãy khám phá cho được món canh măng tre giò heo hầm nấm mối thơm ngon và hấp dẫn này. Gắp khoanh chân giò heo, miếng măng tre, cùng vài tai nắm mối cho vào chén đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị béo, ngọt của thịt, dai dai của gân heo; giòn giòn, đăng đắng của măng hòa lẫn vị ngọt, mềm, deo dẻo cùng mùi thơm “đặc trưng” của nấm mối len lỏi khắp vòm họng. Chan miếng nước canh vào chén cơm “lùa một phát”, thật tuyệt vời và khó quên một đặc sản nơi xứ dừa Bến Tre!...