Cách làm này cũng được Viettel áp dụng tại các thị trường nước ngoài đã đầu tư là Campuchia, Lào. Đến nay, tổng cộng Viettel đã tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 22.000 lao động (chủ yếu sinh sống tại địa bàn nông thôn) tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Số lượng lao động này bằng với số CBCNV Viettel đang làm việc tại thị trường trong nước.
Với mục tiêu mỗi xã có ít nhất một đại diện của Viettel, Viettel hiện có 16.000 - 17.000 nhân viên địa bàn trên cả nước trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, thu cước và chăm sóc khách hàng. Ngoài khoản thu nhập do Viettel chi trả (tiền lương cứng, tiền xăng, thưởng; được hỗ trợ công cụ làm việc, được đào tạo...), nhân viên địa bàn Viettel còn được hưởng các khoản chiết khấu từ việc kinh doanh các dịch vụ viễn thông do Viettel cung cấp.
Theo thống kê, thu nhập trung bình của một nhân viên địa bàn Viettel đạt 1,7 - 1,8 triệu đồng/tháng. Công việc bán thời gian, tuy nhiên mức thu nhập gần bằng với thu nhập bình quân của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước (1,7 - 2,2 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, những nhân viên địa bàn Viettel đủ tiêu chuẩn quy định còn được hỗ trợ 100% phí đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng. Chính vì thế, nhiều lao động đã coi đây là nghề nuôi sống họ và gắn bó với Viettel từ những ngày đầu cho đến nay.
Xã hội hoá cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel không chỉ góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông, thu hẹp được khoảng cách số cho người dân ở vùng nông thôn với người dân thành thị, mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho chính những đối tượng này.
Bích Thủy