Tết nửa năm đầy vui vẻ vì nhằm vào mùa trái cây của miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long. Nào chôm chôm, xoài, măng cụt, mít, mảng cầu, sa pô… toàn là đặc sản mang đậm hương vị phù sa sông nước nơi này.
Với tôi, tết nửa năm hấp dẫn nhờ về nhà vui với má. Năm nào cũng vậy, má tôi cũng đều làm bánh ú nước tro theo tục lệ, không cần biết ý nghĩa gì. Bánh được hoàn thành bằng nếp trộn chút muối qua một đêm, vớt ra vo sạch, để ráo. Sau đó trộn nếp với nước tro, ủ một thời gian rồi hòa chút dầu ăn. Sên đậu xanh cùng chút đường và dầu ăn, xào. Để nguội tán nhuyễn, vò viên. Lá tre rửa sạch tạo hình phễu, cho nếp vào bao quanh viên đậu xanh, gói cột lại, đem luộc. Khi ăn, bánh có lớp vỏ mềm, dẻo và hơi dai cùng vị bùi của nhân đậu xanh.
Bánh ú nước tro chỉ để “ăn chơi”. Còn “ăn thiệt”, hấp dẫn hơn là bánh xèo như nấm mối. Như một “quy luật”, năm nào cũng vậy, hễ cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là quê tôi có nấm mối xuất hiện, sau những cơn mưa đầu mùa. Vào lúc trời chưa hửng sáng, chúng tôi bươi đám lá ủ mục quanh gốc cây già, hoặc bụi tre là bắt gặp những tai nấm non tơ phơn phớt hồng. Nhẹ tay nhón từng tai nấm nhỏ cỡ ngón tay út, bảng lảng màu mây khói còn ướt sương đêm. Đầy một rổ nấm, đem vô nhà rửa sạch để làm nhân bánh xèo. Bánh xèo bình thường đã là món khoái khẩu của người miền Tây. Vỏ bánh giòn giòn khi nhai. Nhưng khi nhai những tai nấm mối sẽ nghe vị ngọt của nó lan tỏa khắp khẩu cái. Vị ngọt thuần khiết như ẩn chứa tinh hoa của đất trời, cái không khí miệt vườn không loại thịt nào có được.