Điều này cho thấy giá xăng dầu sẽ lại khó có thể giảm trong kỳ điều hành dự kiến diễn ra vào ngày mai (19.6).
Giá giảm, doanh nghiệp vẫn lỗ?
Giá xăng RON92 tại thị trường Singapore sau ngày 4.6 có 2 phiên liên tiếp giảm, có thời điểm chỉ ở mức 78,57 USD/thùng nhưng sau đó lại biến động tăng lên. Cao nhất là ở phiên ngày 10.6, giá xăng RON92 ở mức 85,02 USD/thùng. Tuy nhiên, sang ngày 11 và 12.6, giá mặt hàng này lại dần giảm. “Tính chung từ kỳ điều hành ngày 4.6 tới nay giá xăng dầu thành phẩm ở xu thế giảm nhẹ” - lãnh đạo ngành công thương xác nhận.
Hiện các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang được sử dụng 1.047 đồng/lít xăng để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ.
Thứ trưởng Hải cho biết, nếu không có Quỹ bình ổn bù giá thì giá xăng hôm 4.6 đã phải tăng lên bởi giá cơ sở xăng dầu lúc đó đã cao hơn giá bán lẻ. Với mức giảm nhẹ như hiện nay thì giá cơ sở xăng dầu (hình thành bởi bình quân 15 ngày giá nhập khẩu, thuế, phí…) vẫn đang cao hơn giá bán lẻ của các doanh nghiệp, có nghĩa các doanh nghiệp vẫn lỗ và đang phải bù giá từ quỹ bình ổn.
Còn theo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì giá cơ sở hiện cao hơn giá bán lẻ của mặt hàng xăng là 1.100 đồng/lít, gần tương đương với mức chênh lệch ở thời điểm 4.6.
Thứ trưởng Hải thừa nhận: Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp hiện không còn nhiều. “Nếu Quỹ không còn tiền để bù thì chúng ta bắt buộc phải tăng giá không có cách nào khác. Tuy nhiên, hiện nay Quỹ này vẫn đang làm tốt vai trò bình ổn giá xăng dầu” - ông Hải nói.
Không thể hay không muốn giảm thuế?!
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để người tiêu dùng có thể hưởng giá xăng dầu thấp khi giá thế giới giảm kỳ điều hành tới thì cần phải xem xét giảm thuế mặt hàng xăng dầu xuống. Cộng với đó là phải tính lại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu (hiện là 1.050 đồng/lít xăng) và giảm chi phí này xuống; đồng thời xem lại cả mức lãi định mức 300 đồng/lít xăng đối với doanh nghiệp.
“Các loại thuế, phí với xăng dầu cần phải đươc tính toán lại, chỉ cần điều chỉnh giám chút ít cũng đủ làm giảm giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giảm của giá xăng dầu thành phẩm thế giới” - ông Long nói.
Bởi theo vị chuyên gia này, chỉ riêng thuế nhập khẩu xăng dầu (20%), thuế VAT (10%), phí bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít với xăng) đã “ngốn” tới hơn 9.500 đồng/lít xăng. “Cơ quan điều hành khi muốn điều chỉnh thuế tăng lên hoặc điều chỉnh giá xăng tăng lên thường so sánh với các nước trong khu vực và cho rằng giá của ta thấp hơn. Nhưng tại sao chúng ta lại không so sánh với những nước có điều kiện kinh tế thị trường phát triển, như Mỹ. Tại thời điểm hiện nay, giá xăng ở Mỹ gần 17.000 đồng/lít, trong khi Việt Nam lại trên 20.000 đồng/lít. Tại sao như vậy, phải chăng chính sách thuế và phí của chúng ta quá lớn?!” - ông Long nói.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Dân Việt, Thứ trưởng Hải cho biết, mức thuế 20% của mặt hàng xăng không thể giảm thấp hơn được nữa vì đây là mức thuế theo quy định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) của các nước ASEAN. Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long khẳng định: “Mức thuế 20% là mức trần của ATIGA, Việt Nam chỉ không thể tăng thuế lên cao hơn mức này chứ hạ thấp được xuống thì tốt quá, không có quy định nào không cho phép”.
Được biết, trước lần điều hành hôm 4.6, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có hai lần tăng liên tiếp vào ngày 5.5 và 22.5. Trong đó, xăng tăng tổng cộng 3.150 đồng/lít. Hôm 4.6, giá xăng vẫn được giữ nguyên, giảm nhẹ giá dầu diezel và giảm chi quỹ bình ổn giá.