Dân Việt

Chủ nhân cánh đồng lớn giữa Đồng Tháp Mười

Trần Trọng Trung 21/06/2015 06:45 GMT+7
Những năm gần đây, trong khi không ít nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) còn loay hoay với mô hình liên kết hay tích tụ ruộng đất, thì ông Nguyễn Văn Khanh, ở ấp B, xã Phú Cường đã sở hữu những cánh đồng lúa rộng cả trăm ha, mỗi vụ thu lãi tới 3-4 tỷ đồng.

Mỗi vụ thu 6 tỷ đồng nhờ trồng lúa

Như đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa rộng cả trăm ha của ông Khanh trong dịp mọi người đang tất bật vào mùa thu hoạch. Cả cánh đồng bạt ngàn lúa vàng, oằn bông, trĩu hạt; từng tốp nhân công đang cần mẫn vận hành máy gặt lúa, vận chuyển lúa đến điểm cân trọng rồi đưa xuống ghe. Trong một lán trại gần đó, ông Khanh đang nhận tiền đặt cọc bán lúa trên 1 tỷ đồng từ một doanh nghiệp. Cách đó không xa, một tốp nhân công là các bé gái khoảng 14 - 18 tuổi cùng những người dì, người mẹ ngồi lựa từng hạt lúa giống tốt (loại bỏ những hạt lúa xấu) để chuẩn bị cho vụ gieo sạ mùa tiếp theo. Thấy tôi cứ mải mê ngắm, ông Khanh vội kéo tôi vào và nói: “Phải lựa lúa giống kỹ càng như vậy khi gieo sạ mới nảy mầm tốt và trong quá trình canh tác phải thường xuyên khử lẫn lúa tạp rồi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, rầy nâu, ốc bươu vàng phá hại lúa chu đáo mới cho ra sản phẩm chất lượng cao, được doanh nghiệp tin cậy, thu mua giá cao được”.

img
Doanh nghiệp tấp nập đến thu mua lúa của ông Khanh. Ảnh: T.T.T

Vùng Đồng Tháp Mười vang danh “cò bay thẳng cánh” mà nhiều người thường ví von “Đồng Tháp Mười của chúng ta/Trăng lên, trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Đất đai rộng như vậy, nhưng việc canh tác lúa lâu nay vẫn còn manh mún, sản xuất lạc hậu nên người nông dân gặp không ít khó khăn từ khâu giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất đến khâu tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng cao… Và để có diện tích lớn sản xuất cùng một loại giống, từ năm 2013, mấy anh em của ông Khanh đã bàn bạc và thống nhất giao đất ruộng của mình cho ông Khanh toàn quyền sử dụng. Ông Nguyễn Văn Kha - anh ruột ông Khanh chia sẻ: “Năm 2012, mấy anh em chúng tôi được cha mẹ chia cho mỗi người 11ha đất ruộng để làm của hồi môn. Thấy thằng Khanh nó mê làm ruộng nên anh em tôi giao đất cho nó làm, mỗi năm thằng Khanh trả lãi bình quân 1,8 triệu đồng/công. Sau khi giao đất cho Khanh, anh em tôi đều rảnh rang làm công việc khác mà mình yêu thích để phát triển kinh tế gia đình”.

Sau khi được giao tới 80ha ruộng, ông Khanh đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp… Rồi xây dựng kho chứa lúa, thuê nhân công trang sửa mặt ruộng, nạo vét đường nước tưới- tiêu và nhất là chọn một loại giống lúa Nhật để canh tác, bởi theo ông với diện tích lớn như thế không có máy móc cơ giới hiện đại thì không thể làm được và làm cũng không có hiệu quả.

Sau hơn 2 năm canh tác theo quy mô sản xuất cánh đồng lớn, cho ra sản lượng lúa có chất lượng cao và thuần chủng một loại giống lúa Nhật, mỗi mùa vụ đều có 3 - 5 doanh nghiệp đến tham quan và đặt cọc, đưa phương tiện vào tận ruộng để thu mua lúa của ông Khanh với giá dao động từ 6.500 - 7.100 đồng/kg (tùy theo thời điểm). Những doanh nghiệp mua lúa của ông Khanh đều có mối liên kết bền vững với các công ty như Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Cần Thơ… tạo thành một chuỗi liên kết khép kín. Nhờ vậy, trong mỗi mùa vụ qua, ông Khanh thu trên dưới 6 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, trả tiền thuê mướn nhân công… ông Khanh còn lãi 3,5 - 4 tỷ đồng.

Ông Thái Văn Thành, ngụ xã Hòa Bình, huyện Tam Nông không khỏi khâm phục cách làm của ông Khanh, nói: “Tôi có đất ruộng gần với đất của anh Khanh và cũng làm cùng một loại giống lúa Nhật, nhưng ông Khanh làm hiệu quả hơn. Cái hơn của ông Khanh là làm nhiều nên hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp họ cũng thích mua của ông Khanh hơn do sản lượng lúa nhiều, lại chất lượng”.

Điển hình về làm cánh đồng lớn

img
Trong vụ lúa hè thu này, ông Khanh canh tác tới 120ha lúa Nhật (tăng hơn 40ha so với trước). Trà lúa đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa nữa thắng lợi. Đứng giữa cánh đồng lúa Nhật nhìn hút tầm mắt, ông Nguyễn Văn Khanh không giấu được niềm vui và tự hào cho biết: “Có được cánh đồng lớn, tôi có điều kiện thuận lợi để thỏa sức tính toán làm ăn. Dự tính, trong thời gian tới, tôi sẽ huy động thêm ít nhất 150ha để sản xuất tập trung hơn nữa và đầu tư thêm lò sấy, kho chứa nhằm nâng cao chất lượng hạt lúa, giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận”.

Với chủ trương mở rộng cánh đồng liên kết, có diện tích lớn để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm giá thành, tăng lợi nhuận… mô hình “tích tụ ruộng đất” của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh là một cách làm hay, giúp sản xuất nông nghiệp thoát khỏi tình trạng manh mún, thoát khỏi nhiều khó khăn để phát triển. Thấy ông Khanh làm ăn hiệu quả, nhiều hộ làm ăn nhỏ lẻ trong vùng đã chủ động cho ông thuê lại đất để sản xuất. Giờ đây, ông Khanh đã trở thành ông chủ thực sự trên chính đồng ruộng của mình, ông bảo: “Người ta cứ nói trồng lúa nghèo và không biết làm gì mới đi làm lúa, còn tôi thì nghĩ khác, làm gì cũng phải biết tính toán, biết hướng tới thị trường. Thị trường người ta cần lúa thơm, dẻo mà mình cứ đi trồng lúa IR50404 chất lượng thấp, rồi cứ đợi vào xuất khẩu thì chỉ có thua. Khi có nhiều lúa rồi, thì cũng phải biết đầu tư kho chứa để đảm bảo chất lượng lúa sau khi thu hoạch, chứ cứ thu xong rồi vứt ngay ở đồng, bảo sao thương lái họ chẳng mua giá thấp”.

Nói về cách làm của ông Khanh, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Mô hình sản xuất lúa của ông Khanh khá độc đáo, đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy sản xuất để nhân rộng theo hướng sản xuất lớn từ nay đến năm 2020 và trở thành điểm sáng về tái cơ cấu trong nông nghiệp của Đồng Tháp”.

  Để hỗ trợ người trồng lúa, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho những nông dân vay tiền thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3ha. Chính sách này đang được thí điểm ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường; Tân Tiến và Phú Bình, xã Phú Đức, huyện Tam Nông. Hiện đã có 29 nông hộ được hỗ trợ lãi suất vay 700 triệu đồng thuê đất và cải tạo đồng ruộng.