Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Lê Đăng Doanh đã nói như vậy khi trả lời PV NTNN về các điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ từ 1.7 tới đây.
Từ 1.7 tới đây, 3.299 điều kiện kinh doanh sẽ chính thức bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư mới. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp (DN) đang lo ngại, không biết có bãi bỏ nổi không, thưa ông?
Theo báo cáo của CIEM, trong khi các thủ tục cũ chưa kịp bãi bỏ thì các bộ ngành địa phương lại đang có xu hướng “đẻ” thêm các thủ tục mới, ông nghĩ sao về điều này?
- Điều này không có gì là khó hiểu. Bởi các giấy phép, quy định hiện nay đang gắn rất chặt với lợi ích của các bộ ngành, thậm chí của một số người nên đương nhiên không dễ dàng bị bãi bỏ. Các quy định, điều kiện phần lớn đều được “cài cắm”, đưa quyền lợi của bản thân các bộ ngành vào đó. Cơ quan ra điều kiện giờ kinh nghiệm đầy mình, họ biết rằng, nếu bị bỏ giấy phép sẽ mất bao nhiêu lợi ích, nên sự chối bỏ, thậm chí đẻ thêm thủ tục mới là điều dễ hiểu.
Các điều kiện kinh doanh vô lối đang đẻ ra tham nhũng, lợi ích nhóm là thực tế nhức nhối hiện nay. Hội nhập tới đây sẽ là cơ hội và thách thức lớn. Với chi phí thời gian và tiền bạc bỏ ra cho các điều kiện phi lý thế này, DN của ta làm sao đi vào khoa học công nghệ, làm sao cạnh tranh ?
Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta hãy tận dụng và thực thi và hiệu quả nhất Nghị quyết 19 của Chính phủ; phải lọc những giấy phép, điều kiện kinh doanh quá lố, không thích hợp, không hợp lý gì về kinh tế, trái quy định pháp luật để làm văn bản công bố bãi bỏ.
Nhưng bãi bỏ bằng cách nào khi điều đó là “không dễ dàng” như ông nói?
- Tôi đã trực tiếp gợi ý với CIEM (cơ quan theo dõi thực thi Nghị quyết 19) rằng, nên cùng với Bộ Tư pháp có công văn nhắc nhở các bộ ngành liên quan về việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp này. Nếu các bộ ngành không chịu bãi bỏ thì Bộ Tư pháp sẽ tập hợp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bãi bỏ.
Tôi cho rằng, chúng ta phải có quyết tâm và nỗ lực đồng bộ mới có thể xóa bỏ được vì các điều kiện kinh doanh và biến tướng của nó không chỉ là rào cản, khiến chi phí gia nhập thị trường cao và kéo dài, mà còn làm mất cơ hội tiếp cận kinh doanh, gây thiệt thòi cho DN và các thành phần kinh tế. Rõ ràng, điều kiện kinh doanh vô lối đang là thể chế tạo ra rủi ro cho DN. DN không tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu, không cạnh tranh được với cơ hội kinh doanh mà các hiệp định thương mại tự do đưa lại.
Cũng từ 1.7 tới, chỉ có 3 cơ quan gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Nhưng “chấp bút” cho dự thảo các điều kiện nhiều khi vẫn là các bộ ngành, vậy theo ông làm thế nào để có thể xóa bỏ được các điều kiện vô lối?
- Tôi cho rằng, đã đến lúc phải tách bạch người làm quy định ra khỏi người thực hiện, kết thúc việc vừa đá bóng vừa thổi còi mới có thể cải thiện điều kiện kinh doanh, tránh việc vừa làm, vừa thực thi chính sách và kiếm lợi từ sự thực thi đó.
Các bộ ngành cũng phải đổi mới tư duy, thay đổi suy nghĩ khi dự thảo ra các văn bản. Tôi biết nhiều DN, hiệp hội đã phản ánh nhiều điều không phải như các bộ đã báo cáo lên. DN vẫn kêu rằng, thủ tục này được cắt thì thủ tục mới lại mọc ra, cuối cùng chẳng cải cách được gì. Bộ nào cũng nói đã vận dụng CNTT nhưng DN vào mạng của họ thì không hoạt động, muốn được việc thì DN vẫn phải chạy đến tận nơi.
Do vậy, để thực sự cải cách được các thủ tục, điều kiện đòi hỏi phải có sự giám sát các bộ ngành địa phương nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ các cơ quan như VCCI hay các hiệp hội nên có các báo cáo điều tra độc lập về xác nhận của các DN về cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
Xin cảm ơn ông!