Dân Việt

Hiệu quả của phân lân cho lúa ở Đồng Tháp Mười

Để giúp tăng năng suất lúa và đánh giá hiệu quả sử dụng phân lân, việc nghiên cứu và ứng dụng là rất cần thiết. Đó là cơ sở để xây dựng chế độ bón phân hợp lý cho lúa trên các loại đất ở Đồng Tháp Mười.

Hiệu lực cho lúa trên đất xám, đất phèn trung bình

Kết quả thí nghiệm, thử nghiệm trên đất xám Đồng Tháp Mười (ĐTM) tại trung tâm trong các vụ đông xuân (ĐX) và hè thu từ 1988 đến 1990 cho thấy, liều lượng lân bón cho lúa ngắn ngày: 40 - 60kg P2O5/ha, trong đó bón lót 100% hoặc bón lót 50% và thúc đẻ 50% là tốt nhất.

img
Các kết quả nghiên cứu trên đất phèn trung bình ĐTM (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) hiệu lực của lân Văn Điển là rất tốt. Ảnh: Tư liệu
Về dạng lân, bón supe photphat (SSP) và phân lân nung chảy Văn Điển (FMP) với cùng một liều lượng P2O5 cho hiệu lực tương đương nhau. Hiệu quả của 1kg P2O5 trên đất xám khi bón ở mức 40kg P2O5 là 39,9 - 45,5kg lúa tức bón 1kg SSP lân FMP cho bội thu từ 6,0 - 6,8kg lúa.

 

Các kết quả nghiên cứu trên đất phèn trung bình ĐTM (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) qua 2 vụ ĐX 87-88 và HT 88 đã đi đến kết luận: Liều lượng lân bón thích hợp là 60kg P2O5/ha với bón lót 100% hoặc bón lót 50% và thúc đẻ 50% là tốt nhất. Hiệu lực của DAP và SSP tương đương nhau khi bón cùng lượng lân như nhau.

Vụ ĐX 94-95 đưa vào thí nghiệm 5 dạng lân: FMP dạng bột, dạng hạt, DAP, DAP + NPK và SSP LT. Năng suất lúa đạt cao nhất ở nghiệm thức bón FMP dạng hạt (6,08 T/ha), kế đến là FMP bột (5,27 T/ha), SSP LT (5,59 T/ha), DAP + NPK (5,38 T/ha) và thấp nhất ở nghiệm thức bón DAP (5,27 T/ha). Tuy nhiên, sự khác biệt về năng suất lúa của các dạng lân trên không có ý nghĩa thống kê.

Vụ ĐX 95 - 96 so sánh 6 dạng lân (DAP, FMP Văn Điển, FMP Ninh Bình, SSP LT, SSP PA và SSP M cũng cho thấy năng suất lúa giữa các nghiệm thức dùng các dạng lân khác nhau đạt tương đương nhau (bảng 6). Như vậy, trên đất phèn trung bình hiệu lực các dạng lân với năng suất lúa tương đương nhau.

Hiệu lực bón lân Văn Điển cho lúa trên đất phèn nặng

Các thí nghiệm về liều lượng và dạng lân trên đất phèn nặng mới khai hoang tại Tân Lập, Mộc Hóa - Long An, trong các vụ ĐX từ 1991 - 1995 cho thấy: Về liều lượng, năng suất lúa tăng khi bón lân từ 60 - 120 - 180kg P2O5/ha. Khác biệt có ý nghĩa trong thống kê giữa các mức bón.

Khi so sánh 3 dạng lân (FMP, DAP và SSP) cho thấy FMP cho năng suất lúa cao nhất (4,76 T/ha) khác biệt có ý nghĩa so với DAP (4,32 T/ha) và SSP (4,03 T/ha).

Nghiên cứu ảnh hưởng tương hỗ giữa dạng lân và thời kỳ bón lân trên đất phèn nặng mới khai hoang tại Nhơn Hòa, Tân Thạnh, Long An cho thấy: Nếu sử dụng FMP 100%, chia lân làm 2 lần bón (bón lót 50% và bón thúc đẻ 50%) cho hiệu quả nhất. Nếu phối hợp FMP với SSP có thể chia lân ra làm 2-3 lần bón (lót, thúc 1: 15 ngày sau sạ và thúc 2: 30 ngày sau sạ) cho kết quả cao hơn bón lót 100%.

Tổng kết năng suất lúa trung bình qua 3 vụ (ĐX 92-93, ĐX 93-94 và ĐX 94-95) của các thực nghiệm trên đất phèn nặng mới khai hoang tại Nhơn Hòa cho thấy, trên đất phèn nặng khi hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, những năm đầu áp dụng công thức phân bón FMP 48% và DAP 52% P2O5 là phù hợp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.

Về tỷ lệ phối hợp giữa các dạng lân bón cho lúa, kết quả cho thấy dùng toàn bộ lân bón vào bằng lân nung chảy hoặc phối hợp phân lân nung chảy với DAP theo tỷ lệ FMP/DAP từ 0,25/0,75 đến 0,60/0,40 đều cho năng suất lúa cao hơn trong trường hợp chỉ dùng lân trong DAP bón cho lúa trên đất phèn nặng.