Dân Việt

“Nói ai nghe, nếu chỉ lý thuyết suông ?”

Thu Hà 22/06/2015 08:03 GMT+7
“Gần 20 năm làm chủ tịch hội, tôi luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để hội viên của mình thoát được cái đói cái nghèo, cao hơn nữa là có cuộc sống khấm khá, thu nhập ngày một tăng thêm” - ông  Lê Xuân Bản – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An tâm sự.

Hội viên thích “tai nghe, mắt thấy”

Năm 1999, ông Bản được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã. Ngày mới nhận nhiệm vụ, ông còn nhiều bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn. Nghĩa Lộc là xã trung du miền núi thấp, tổng diện tích tự nhiên hơn 5.000ha, trong đó đất nông nghiệp 1.657ha, đất lâm nghiệp là 2.296ha, dân số gần 18.000 người (trong đó đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo chiếm 34,1%, đồng bào dân tộc ít người chiếm 7,2%...). Hơn 90% hội viên ND sống bằng nghề nông. Đất lâm nghiệp gần như bị bỏ hoang, phương thức canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và chờ đợi… ông trời, nên cuộc sống của bà con rất khó khăn.

img
Ông Lê Xuân Bản (trái) tới thăm mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc của hội viên Nguyễn Xuân Đồng. Ảnh:   T.H
“Trình độ văn hóa và hiểu biết của phần lớn bà con còn hạn chế là trở ngại trong việc vận động họ thay nếp nghĩ, cách làm. Tôi đến từng thôn, xóm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giảng giải cho bà con cái được của thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Rồi tôi là người làm trước để hội viên được “tai nghe mắt thấy” thực sự, nếu chỉ nói một mớ lý thuyết suông, họ không nghe” - ông Bản nhớ lại.

Giảm nghèo bằng mọi cách

Quan điểm

Ông Ngô Quang Hoà – Chủ tịch Hội ND huyện Nghĩa Đàn
  “Nhìn thì không thấy hết độ khó, thực sự làm thủ lĩnh Hội ở vùng đất khó như xã Nghĩa Lộc mới thấy và “thấm” mệt. Ông Bản rất khéo léo trong cách tập hợp hội viên, có nhiều kinh nghiệm và cách làm sáng tạo trong công tác hội... . 
Năm 2003, nhận thấy cây dầu sở (loại cây công nghiệp lấy hạt ép dầu) thích hợp trồng trên đất lâm nghiệp, ông đã tham mưu với Đảng ủy xã đưa cây dầu sở vào việc xây dựng đề án tái tạo đất lâm nghiệp. Và ý kiến của ông hoàn toàn đúng. Đến nay, dầu sở đang là cây cho thu nhập cao nhất nhì trên đất lâm nghiệp ở địa phương, cho thu hoạch tới 85 -100 triệu đồng/ha. Từ chỗ chỉ có 30ha cây sở ban đầu, đến nay toàn xã có hơn 400ha đất trồng loại cây này.

 

Trong gần 20 năm làm “thủ lĩnh ND”, ông Bản đã góp công đưa về cho xã nhiều dự án, giúp ND có việc làm, tăng thu nhập như chăn nuôi lợn siêu nạc, mô hình trồng bí xanh sạch trên đất 2 vụ lúa… Ngoài ra, ông Bản còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. “Phải có vốn làm ăn thì ND mới thực sự bứt phá được” – ông nói.

Lúc bắt đầu nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội ND, vốn ủy thác qua Hội ND xã chỉ có 150 triệu đồng. Đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn gần 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên ND vay. Hàng năm Hội còn phối hợp với các công ty cung ứng hơn 80 tấn phân bón trả chậm cho hội viên khó khăn có điều kiện sản xuất thuận lợi.

Bằng những việc làm cụ thể, Chủ tịch Lê Xuân Bản đã góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, nếu như trước đây là 30%, nay giảm xuống còn 8,8%; hội viên ND tăng về cả lượng lẫn chất, từ 1.560 hội viên (năm 1999) đến nay là 2.050 hội viên, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi từ 3% tăng lên hơn 10%.