Dân Việt

Du lịch homestay ở bản Tày bên hồ Ba Bể

Gia Tưởng 15/11/2015 10:00 GMT+7
Hàng trăm năm qua, người dân xã Nam Mẫu (Ba Bể, Bắc Kạn) đã giữ cảnh quan hồ Ba Bể “không mất đi một ngọn cỏ” nên giờ đây họ đang được hưởng lợi. Hồ Ba Bể thực sự ngọt khi đem lại nguồn thu nhập cho người dân bản Tày sống quanh hồ nhờ du lịch homestay.

Hơn 10 năm trước, chỉ xuất phát từ lòng hiếu khách vốn có của đồng bào Tày, sẵn lòng giúp đỡ những người khách nhỡ độ đường thì nay người dân ở bản Pắc Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) đã có một nghề mới: Kinh doanh du lịch homestay (ở trọ nhà dân).

Lòng tốt thành tiền

Từ ngã ba lối rẽ ra hồ Ba Bể, có tấm biển gỗ xinh xinh ghi chữ “Pắc Ngòi 3km”. Và từng tốp khách nước ngoài cưỡi xe máy tỏ ra vô cùng thích thú quan sát tấm biển gỗ nhỏ này, rồi họ mất hút vào con đường xanh rợp xuyên qua rừng rậm. Máu tò mò trong người nổi lên, tôi quyết định khám phá bản Pắc Ngòi, xem cái bản của người Tày này có gì lạ.

img

Du khách thích thú khi ở nhà sàn tại bản Pắc Ngòi. (Ảnh: Gia Tưởng)

Chui qua con đường độc đạo không có chút ánh sáng mặt trời nào có thể xuyên qua được bởi lớp lớp cây rừng bao phủ, đi khoảng 2km đã thấy bản Pắc Ngòi hiện ra. Phải nói rằng những người Tày xa xưa chọn nơi này lập bản là quá khôn ngoan, bởi thực sự đó là một mảnh đất không chỉ lành mà còn đẹp nữa. Trước bản có bãi đất bồi trồng ngô xanh bát ngát, lại tiện bến thuyền thông ra hồ Ba Bể, đằng sau bản là dãy núi đá như bức tường thành khổng lồ. Với thế đất này thì toàn bộ những ngôi nhà trong bản đều có hướng Tây Bắc, lưng dựa vào núi mặt ngoảnh ra hồ, làm nên một bức tranh thủy mặc nơi miền sơn cước.

Hỏi thăm người dân, được biết nhà ông Hoàng Văn Toàn là một trong những gia đình đón khách đầu tiên ở bản Pắc Ngòi, cũng là nhà nghỉ đẹp và quy mô nhất bản. Mặc dù đã sẩm tối và bận phục vụ 6 du khách người Thụy Điển cùng ăn bữa tối với gia đình, nhưng ông Toàn vẫn tranh thủ tiếp phóng viên. Ông vui vẻ kể: “Ngày trước, nhà tôi cũng như các nhà trong bản thôi, chỉ có làm ruộng và đánh cá đơm tôm ở hồ, nhưng sau đó vì có nhà rộng lại sạch sẽ nên mới chuyển hướng làm ăn. Có một lần tôi thấy đôi vợ chồng người nước ngoài tới thăm quan, nghiên cứu khu vực hồ Ba Bể. Họ đi vào thăm động Hua Mạ, trời thì tối mà họ lại đi bộ, đường rừng lúc đó xấu lắm. Tôi mời họ về nhà mình ở chơi thôi, sáng hôm sau họ tỏ ra rất bất ngờ và thích thú với cách tiếp đón của gia đình. Họ xin phép ở lại thêm một tuần nữa, và đi theo làm những công việc hàng ngày, như lên nương, chặt củi, dệt thổ cẩm và tối tập hát những điệu dân ca Tày của chúng tôi. Hết những ngày nghỉ lại, 2 vị khách đã tặng cho gia đình tôi một khoản tiền nhỏ, và họ cũng gợi ý rằng gia đình nên làm dịch vụ đón khách tại nhà, họ sẽ giới thiệu bạn bè tới ở”.

Chuyện ở nhà ông Toàn giống như tiếng thơm của cây quế rừng, từ đó rất nhiều đoàn khách nước ngoài tìm đến Pắc Ngòi. Nhà ông Toàn mở dịch vụ du lịch homestay, mỗi năm cũng đón được hơn 1.000 khách. Còn cả bản đã có 31 gia đình đón khách tới ở nhà với hàng trăm phòng ngủ. Từ một bản chỉ biết gắn bó với ruộng nương thì nay dịch vụ đón khách tại là nhà nguồn thu nhập chính của bà con.

Chủ - khách đều vui

Ông Hoàng Văn Truyền: “Bản này làm du lịch mà không  có tệ nạn xã hội hay trộm cắp xảy ra, du khách đến đây hoàn toàn yên tâm về mọi mặt và được người dân chúng tôi phục vụ hết mình, coi như bà con trong nhà chứ không phải chủ nhà và khách. 

Vừa sửa soạn mâm cơm truyền thống của người Tày, với món cá hồ nướng, thịt lợn gác bếp xào rau cải, cơm nếp nương, canh rau dớn, rau bò khai xào, thịt gà hấp lá chanh..., cô bé Hoàng Thị Trang- con gái ông trưởng bản Hoàng Văn Truyền tranh thủ đi trải đệm cho đoàn khách ngủ. Trang cho biết: “Nhà em mới đưa 6 phòng để khách ngủ thôi, tuy khách chưa có nhiều, nhưng do dân bản biết nhường nhau, nhà ai khách đông thì đưa sang những nhà hàng xóm nên luôn có khách ra vào”.

Đối với du khách chọn dịch vụ homestay thì nhà chủ cần đáp ứng được những điều kiện nhất định là chỗ ngủ phải sạch sẽ, nhà vệ sinh phải hiện đại và thức ăn phải sạch. Mỗi suất ăn của khách hiện nay có giá chung là 80.000 đồng và một đêm ngủ cũng là 80.000 đồng/phòng, tuy số tiền so với các khu du lịch khác là không cao nhưng với người dân ở đây làm như thế cũng gọi là có thu nhập tạm ổn.

Chị Castina- 28 tuổi du khách người Thụy Sĩ tới đây cùng 3 người bạn, cho biết: “Tôi đã đi du lịch và ở homestay ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ở Pắc Ngòi cho chúng tôi một cảm giác thân thiện đến thú vị. Người dân ở đây khiến chúng tôi thấy như mình là những thành viên lâu ngày trở về nhà vậy. Từ chỗ ngủ trên sàn gỗ đến những món ăn đậm đà chất bản địa, cả những nụ cười khi chúng tôi ở cùng một nhà”...