Đề án sẽ được trình Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN khóa VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 tới đây.
Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Mặc dù bối cảnh chung của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, sự phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn, Thường trực T.Ư Hội cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN nhiệm kỳ vừa qua cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VII đã đề ra. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn, Thường trực, Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, đảng viên nỗ lực trong công tác tham mưu và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và cả nhiệm kỳ. Chính vì vậy, trong công tác hội và phong trào ND nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực và đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác phát triển đảng viên được coi trọng. Việc thực hiện “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ. Đảng ủy đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)...
Được biết, Đề án xây dựng BCH Đảng bộ khóa VIII, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được trình Đại hội để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định. Nội dung trọng tâm của Đề án là gì, thưa ông?
- Đề án đã đặt ra những yêu cầu về mặt nguyên tắc cho công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy; tiêu chuẩn cấp ủy viên; số lượng, cơ cấu, độ tuổi tham gia BCH khóa mới. Một trong những nguyên tắc thể hiện trong Đề án là BCH Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN phải bao gồm cán bộ, đảng viên tiêu biểu từ các chi bộ, đoàn thể quần chúng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ…
Vấn đề nhân sự BCH trong Đề án BCH khóa VIII có những điểm gì mới so với các nhiệm kỳ trước?
- Việc chuẩn bị Đề án xây dựng nhân sự cho BCH Đảng bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN khóa VIII thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30.5.2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư về công tác nhân sự cấp ủy tại Đại hội Đảng bộ các cấp. So với nhân sự BCH Đảng bộ khóa VII, Đề án chuẩn bị nhân sự cho BCH khóa VIII có nhiều nội dung mới. Ví dụ, với tỷ lệ giữa 3 độ tuổi là trẻ, trung bình và cao, Đề án nhấn mạnh đến việc tăng cường độ tuổi trẻ đối với các đồng chí tham gia BCH Đảng bộ khóa mới. Cơ cấu BCH khóa mới được mở rộng hơn, Đề án đề cập đến việc các chi bộ, đảng bộ bộ phận đều bố trí bí thư hoặc phó bí thư tham gia vào BCH Đảng bộ khóa mới. Theo Đề án, số lượng ủy viên BCH khóa VIII là nữ dự kiến tăng lên gấp đôi so với khóa VII.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác Đảng cũng bộc lộ những hạn chế nào cần khắc phục?
- Những tồn tại trong công tác Đảng nhiệm kỳ vừa qua được chỉ ra như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng còn hạn chế. Việc nắm bắt tình hình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa sâu vì vậy chưa đề xuất hướng xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc trong đời sống và sản xuất của nông dân. Công tác kiểm tra, giám sát còn chậm, chưa thường xuyên, có khi còn lơi lỏng, cả nể dẫn tới việc xử lý cán bộ, đảng viên và quần chúng chưa mang lại hiệu quả cao. Kết quả đánh giá cán bộ, đảng viên chưa như mong muốn bởi hình thức đánh giá chủ yếu vẫn dựa vào tự đánh giá, kiểm điểm của cá nhân và bình xét ở chi bộ, đảng bộ bộ phận hàng năm. Điều này dẫn tới kết quả đánh giá đảng viên đều đủ tư cách hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm là do năng lực tham mưu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu, thiếu chủ động, thiếu tự giác, gương mẫu; công tác kiểm tra, giám sát còn sơ sài, thiếu cụ thể và mang tính hình thức… Những hạn chế, khuyết điểm vừa nêu cần phải có giải pháp để khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Trân trọng cảm ơn ông!