Dân Việt

Đề xuất bãi bỏ 31 khoản phí kiểm dịch gia cầm: Tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn

Việt Tùng (ghi) 24/06/2015 10:36 GMT+7
Ý kiến của hầu hết các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi đều cho rằng, việc bãi bỏ 31 khoản phí kiểm dịch là đúng, vì lâu nay việc thu phí kiểm dịch thực chất như một cách “làm luật”, còn lại các cơ sở vẫn phải tự lo khâu phòng dịch cho mình. NTNN tiếp tục ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Phạm Quang Ngọc – Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Cần hướng dẫn người dân các bước phòng dịch

Việc miễn giảm các khoản phí, chỉ còn lại 2 khoản phí là giấy chứng nhận kiểm dịch và phí kiểm soát giết mổ đã trút được rất nhiều gánh nặng cho người dân, nhất là trong điều kiện ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Miễn giảm phí kiểm dịch sẽ giúp cho giá thành sản phẩm giảm, người dân có điều kiện hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều rất cần khi chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có hướng dẫn để người dân thực hiện các bước kiểm dịch, tránh lơ là gây lây lan dịch bệnh.

Ông Đào Xuân Hải – chủ trang trại nuôi gà xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc: Nộp phí chỉ để đủ thủ tục

img
Ông Đào Xuân Hải duy trì chế độ phòng dịch rất tốt cho đàn gia cầm của mình.

Việc tiêm phòng, kiểm dịch, cấp giấy lưu hành là rất cần thiết, bởi nếu trong chăn nuôi mà không kiểm soát được dịch bệnh thì chỉ có trắng tay. Tuy nhiên, hiện công tác này đang rất rườm rà, gây phiền toái cho người chăn nuôi. Còn với những trang trại chăn nuôi lớn như của tôi, với 60.000 con gà thịt và đẻ trứng, tôi phải thuê tới 2 kỹ sư phụ trách tiêm phòng, kiểm dịch, nên hầu như việc phối hợp cơ quan chức năng chủ yếu là để đủ thủ tục, chứ không có nhiều ý nghĩa trong việc kiểm soát, an toàn dịch bệnh...

 

Ông Trần Văn Hiệu – Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển Chăn nuôi Hòa Phát (Hà Nội): Thuê dịch vụ phòng dịch sẽ tốt hơn

Hiện trang trại chăn nuôi của tôi có khoảng hơn 30.000 con gà đẻ trứng, hàng tháng xuất 1,8 vạn quả ra thị trường và khoảng 3 vạn gà giống. Việc duy trì các khoản phí kiểm dịch như hiện nay gây rất nhiều phiền toái cho người chăn nuôi. Trứng chịu phí kiểm dịch, ấp ra gà con lại phí kiểm dịch, đưa đến địa phương khác tiêu thụ lại kiểm dịch, nên không chỉ tốn kém, mà mất rất nhiều thời gian. Có lần tôi bán một lô trứng hơn vạn quả cho một đơn vị ở Vĩnh Phúc, nhưng vì thủ tục loằng ngoằng, nên họ cắt hợp đồng, mua của đơn vị khác. Có lần chúng tôi phải đền, vì giao không đúng hợp đồng.

Trên thực tế, muốn kiểm dịch phải có thời gian, chứ không phải vài cán bộ đến phun vài bình thuốc, tiêm vài mũi tiêm mà kiểm soát được dịch bệnh. Hơn nữa, hầu hết các hộ chăn nuôi đều phải tiêm phòng, tiêu độc khử trùng để đảm bảo tài sản của họ. Nếu nhà nước bỏ các khoản phí, công ty tôi và hầu hết các hộ chăn nuôi đều sẵn sàng bỏ kinh phí thuê các đơn vị tư nhân để họ làm công tác tiêu độc khử trùng, kiểm dịch… Trên thực tế, lâu nay chúng tôi đã làm như vậy rồi, chứ không phải chờ khi miễn phí chúng tôi mới làm.

Có thể chi phí sẽ không giảm nhiều, bởi chúng tôi phải thuê đơn vị khác đảm nhiệm việc kiểm dịch, nhưng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chất lượng kiểm dịch, tiêu độc khử trùng sẽ tốt hơn. Bởi nếu họ không làm tốt, chúng tôi sẽ thuê đơn vị khác.

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, Hà Nội: Duy trì thu phí sẽ tạo cơ chế xin - cho

Chúng tôi rất tán thành việc Bộ NNPTNT chủ động đề xuất bãi bỏ 31 khoản phí kiểm dịch. Nếu tính về kinh tế, các khoản phí kiểm dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí chăn nuôi. Tuy nhiên, nó lại gây ảnh hưởng rất lớn đến khâu tiêu thụ. Chẳng hạn, chúng tôi ký được một đơn đặt hàng lớn với đối tác, nhưng phải chờ quy trình kiểm dịch đến mấy ngày, khi lấy được giấy thì họ không cần nữa. Điều đó vô hình trung sẽ tạo nên cơ chế “xin – cho”, tạo kẽ hở, tiêu cực trong công tác kiểm dịch.