Dân Việt

Nga bắt đầu phát triển tàu ngầm thế hệ 5 siêu hiện đại

Trí Dũng 24/06/2015 10:58 GMT+7
Trong khi thông tin về việc Nga chế tạo tàu ngầm thế hệ thứ 4 lớp Yasen vẫn còn đang nóng hổi, nước này mới đây lại tuyên bố đã bắt tay vào việc phát triển tàu ngầm thế hệ thứ 5 hiện đại hơn nhiều.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS hồi tuần trước, ông Vladimir Dorofeyev, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiết kế Cơ khí Hàng hải Malakhit của Nga cho biết: “Việc phát triển tàu ngầm thế hệ thứ 5 đã được tiến hành. Dự án này sẽ được thực hiện ngay sau khi dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen hoàn tất”.

Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh Hải quân Nga sau đó đã xác nhận thông tin này. Ông Chirkov nói: “Để tránh những trì hoãn, chúng tôi phải bắt tay ngay vào thiết kế và phát triển tàu ngầm thế hệ tiếp theo”.

img
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen của Hải quân Nga

Đô đốc Chirkov cũng xác nhận rằng tàu ngầm thế hệ thứ 5 sẽ được chế tạo theo chương trình đóng tàu chiến của Nga đến năm 2050, tuy nhiên ông không đưa ra mốc thời gian cụ thể đưa tàu ngầm này vào hoạt động.

Hiện có rất ít thông tin rò rỉ về bản thiết kế tàu ngầm thế hệ 5 của Nga, bởi ý tưởng về loại tàu ngầm hiện đại này vẫn đang được xây dựng. Ông Dorofeyev chỉ tiết lộ rằng tàu ngầm thế hệ 5 của Nga sẽ tập trung vào các khả năng “chiến tranh trung tâm mạng” và sẽ giảm bớt tầm quan trọng của tốc độ hay kích thước.

Về lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm này, ông Dorofeyev cho biết: “Lò phản ứng của tàu ngầm thế hệ 5 sẽ được chế tạo dựa trên các nguyên tắc mới, nhưng chưa phải mang tính cách mạng, bởi điều đó là không hề cần thiết”.

Trong khi đó, Đô đốc Chirkov cũng nói bóng gió rằng các khả năng tự động hóa, rô-bốt hóa sẽ đóng vai trò trung tâm trong tàu ngầm thế hệ mới. Theo vị đô đốc này, Hải quân Nga sẽ chú trọng vào “hiệu năng của hệ thống vũ khí và kiểm soát của tàu ngầm” hơn các yếu tố khác.

img
Một tàu ngầm của Hải quân Nga

Ông nói: “Đặc biệt, khả năng chiến đấu của tàu ngầm thế hệ 5 sẽ được tăng lên đáng kể thông qua việc phát triển các nền tảng mô-đun thống nhất giữa các khoang khác nhau, cũng như nhờ việc tích hợp các hệ thống rô-bốt hóa vào kho vũ khí”. Nói cách khác, tàu ngầm thế hệ thứ 5 của Nga có thể sẽ là một cỗ máy rô-bốt khổng lồ hoạt động dưới nước và cần rất ít sự can thiệp của con người.

Từ lâu, Hải quân Mỹ đã tìm cách tích hợp các tàu ngầm của họ vào hệ thống chiến tranh trung tâm mạng. Năm 2002, tạp chí National Defense cho biết: “Theo chiến lược tác chiến dưới biển dài hạn của Hải quân Mỹ, tàu ngầm năm 2020 sẽ được tích hợp các phương tiện không người lái dưới nước, trên biển và trên không. Nó cũng có thể phóng các loại vũ khí không phải của Hải quân, chẳng hạn như các tên lửa chiến thuật của Lục quân”.

Theo khái niệm này, khi tác chiến, tàu ngầm tương lai của Mỹ có thể rải các cảm biến trên đáy biển, tạo ra một “mạng lưới thông tin” cung cấp những tin tức tình báo vô giá cho các chỉ huy cụm chiến đấu hải quân.

Những cảm biến này sẽ được kết nối với các phương tiện không người lái dưới biển (UUV) và máy bay không người lái (UAV) xâm nhập vào khu vực tác chiến. Với các cảm biến và phương tiện này, dù không ở gần tàu ngầm, nhưng chỉ huy tác chiến vẫn có thể kiểm soát mọi thứ diễn ra trên chiến trường.

img
Các thủy thủ Mỹ bên trong tàu ngầm tên lửa lớp Ohio

Quân đội Mỹ đã tìm cách biến khái niệm này thành hiện thực bằng chương trình Hệ thống Chiến thuật Liên hợp Tác chiến Tàu ngầm (SWFTS) nhằm mục đích tích hợp tất cả các hệ thống chiến đấu trên tàu ngầm vào một hệ thống đơn nhất.

Nếu tàu ngầm thế hệ 5 của Nga được phát triển, họ sẽ đi trước Mỹ đáng kể về khả năng tự động hóa cho tàu ngầm, đưa tàu ngầm chú trọng và khả năng tác chiến lấy mạng làm trung tâm. Tuy nhiên, có vẻ Nga phải mất một thời gian nữa mới có thể hiện thực hóa được loại vũ khí siêu hiện đại này.

Hải quân Nga mới chỉ chính thức tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen vào hồi năm ngoái, dù con tàu có tên là K-560 Severodvinsk này đã được bắt đầu chế tạo từ năm 1993, còn bản thiết kế của nó đã được đưa ra từ thập niên 1980 dưới thời Liên Xô.