Các chuyên gia cảnh báo, mức độ và tốc độ kháng thuốc ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng ở mức báo động.
Tại Lễ ký kết thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc diễn ra ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, sử dụng loại "vũ khí" này không thích hợp, lạm dụng, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới.
Tự ý dùng kháng sinh có thể nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng Y tế, kháng thuốc kháng sinh có thể kéo dài thời gian điều trị, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị cũng tăng cao.
Một khảo sát năm 2010 về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Trong đó, có đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn. Đáng chú ý, tỷ lệ người tự ý mua kháng sinh (không cần đơn của bác sĩ) để điều trị ho- ở thành thị lên đến 32%.
Do tự ý dùng kháng sinh nên hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới (WHO) mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến nhất thì tỷ lệ dùng kháng sinh là cao nhất.
Theo ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện Tổ chức WHO tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng con người. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới.
Các chuyên gia cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng và thầm lặng, tạo ra bởi con người và giải pháp cũng chính từ con người. Hiện nay, kháng sinh không chỉ sử dụng cho con người mà còn sử dụng trong chăn nuôi- điều trị vật nuôi ốm, điều trị dự phòng, kích thích tăng trưởng…