Nhiều nguyên nhân tác động đến cuộc khủng hoảng này, trong đó có việc giá dầu mỏ cao, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tăng, những trận mưa trái mùa ở Brazil, hạn hán kéo dài ở Mỹ và ở Nga, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của một số nước và giá cả trên thị trường ngũ cốc tăng lên, là những yếu tố đứng đằng sau sự tăng mạnh của giá lương thực trên toàn cầu.
Giá ngũ cốc đã tăng vọt trước những dự đoán rằng các nước sản xuất ngũ cốc ở Biển Đen, nhất là Nga, có thể hạn chế xuất khẩu do hạn hán tác động đến mùa vụ. Thị trường ngũ cốc cũng "phớt lờ" những tuyên bố của các quan chức Nga rằng nước này chưa có cơ sở nào để cấm xuất khẩu ngũ cốc trong năm nay. Tuy nhiên, giới chức Nga cũng đang mập mờ về khả năng áp thuế xuất khẩu sau thời điểm cuối năm 2012.
Giá lương thực thế giới tăng cao có thể gây ra cuộc khủng hoảng. |
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 7.2012 đã tăng tới 17% so với tháng trước đó. Trong đó giá ngô tăng gần 33% và giá lúa mì tăng 19%.Chỉ số giá đường trong cùng thời gian này tăng 12%, do mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía ở Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, gió mùa đến muộn lại ít mưa ở Ấn Độ và tình trạng thiếu mưa tại Australia cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vụ mía đường của hai quốc gia này.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất trên thế giới bởi những nước này sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu, do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Tổ chức Oxfam cho biết, tình trạng giá ngũ cốc tăng cao có nguy cơ đẩy hàng triệu người trên toàn thế giới vào tình trạng bị đói và thiếu dinh dưỡng, trong bối cảnh thế giới hiện đã có gần 1 tỷ người lâm vào tình cảnh này và chỉ riêng ở Tây Phi, mỗi ngày có khoảng 1.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Hạ Anh