Dân Việt

Ám ảnh tội phạm ma túy vùng cao Sơn La: Cái khó từ... tập quán

Tráng Đinh Minh 26/06/2015 06:45 GMT+7
Không chỉ manh động hơn, nguy hiểm hơn, tội phạm ma túy ngày càng tạo ra những  vỏ bọc tinh vi hơn. Chúng lẩn khuất ngay trong cả những bản làng yên bình nhất. Cuộc chiến đấu với “cái chết trắng” vì thế càng bội phần khó khăn...

Xem bài 1: Ám ảnh tội phạm ma túy vùng cao Sơn La: Máu đỏ trong cuộc chiến “trắng”

“Cơm đen” và “cái chết trắng”

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 12 dân tộc, trong đó nhiều nhất là người Thái, Mường, Mông…, với trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Đây cũng chính là một trong những địa bàn chủ lực phát triển cây thuốc phiện (cây anh túc) để làm dược liệu từ hơn 20 năm về trước. Bởi thế, việc trồng, thu hoạch các sản phẩm cây thuốc phiện với người dân Sơn La từ nhiều năm nay không còn lạ lẫm.

img
 Ngôi nhà 7 tầng hoành tráng của Tráng A Tàng (Tàng Keangnam) ở thị trấn Mộc Châu. Ảnh: Đ.M 
Có trồng thì có sử dụng, vì thế thuốc phiện ở Sơn La nhiều năm trước đã trở thành “thông dụng hơn cả viên thuốc cảm ABC” lúc đó - như lời của ông Mùa A Tu – người Mông ở bản Bún, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ (Sơn La) ví von. Người ta dùng thuốc phiện được nướng lên và uống thay kháng sinh; hầm với gà và ngải cứu làm thuốc bổ; ngâm vào rượu uống cho khỏe người, lấy thuốc phiện làm quà biếu, làm lễ vật tạ ơn…

Vì thế, cây thuốc phiện đã từng “gắn bó” thân thiết với người dân Sơn La như một phần trong văn hóa, nếp sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Tên gọi “cơm đen” để chỉ thuốc phiện cũng một phần nói lên điều này.

Vì lẽ đó, việc tuyên truyền để đồng bào hiểu tác hại lớn của việc buôn bán, sử dụng “cơm đen” thuốc phiện và sau này là “cái chết trắng” ma túy không hề dễ dàng.

Vỏ bọc tinh vi

Quan điểm

Trung tá Bàn Văn Chanh
 Người dân Mộc Châu (Sơn La) nói chung rất đoàn kết, cùng với công an, bộ đội biên phòng tuần tra, cảnh giác, phát hiện, bắt giữ, truy quét tội phạm ma túy. Nhưng vì một số lý do tế nhị nên nhiều người không muốn kể hay nói về điều này, ngay cả khi chính họ vừa tham gia đánh án.   
Lợi nhuận khủng từ buôn bán ma túy đã cho phép bọn tội phạm vung tay chi tiền để mua ân nghĩa, đánh lừa không chỉ với bà con dân tộc mà ngay cả một số cán bộ cũng đã rơi vào tròng. Chính vì thế mà Tàng Keangnam (Tráng A Tàng) ở bản Lũng Xá, luôn nhận được ánh nhìn thân thiện như một doanh nhân thành đạt, cho tới khi bị bắt quả tang đang tàng trữ 265 bánh heroin vào tháng 7.2013.

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Xuân Bàn Văn Chanh nhận định: Người dân tộc ở đây có những thói quen ăn sâu vào người như ai không làm hại mình thì mình không hại họ… Chính bởi thế, cùng trên mảnh đất ấy, người dân vẫn làm nương, vẫn trồng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng…, còn tội phạm ma túy thì lấy nương, lấy rừng của dân làm đường đi, nơi ẩn nấp.

Trong nhiều vụ việc, trường hợp cụ thể, giữa tội phạm buôn bán ma túy với người dân thường không có sự can dự, can thiệp lẫn nhau. Thậm chí nhiều khi chính đối tượng buôn bán ma túy lại là người thân, họ hàng của bà con thôn bản nên cũng khó cho việc phát giác tội phạm. Đã có rất nhiều người chọn cách im lặng khi được hỏi về những đối tượng tội phạm buôn bán ma túy.
Ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Uỷ ban Dân tộc): Tuyên truyền nhờ tinh thần “họ hàng”

Uỷ ban Dân tộc là thành viên Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Qua thực tế triển khai các chương trình, chúng tôi nhận thấy, nhiều gia đình, dòng họ vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự đã che giấu việc con em mắc nghiện hay tham gia buôn bán ma tuý.

Điều này gây không ít khó khăn, trở ngại cho công tác phòng, chống, kiểm soát ma tuý. Chỉ cần thấy xuất hiện người lạ hay bóng dáng chiến sĩ công an là các đối tượng lập tức lẩn trốn. Lực lượng chức năng chỉ còn một cách duy nhất là nhờ những người có uy tín ở địa phương tuyên truyền, vận động các đối tượng và đồng bào tránh xa ma tuý. 

Điểm sáng về phòng chống ma tuý mà chúng tôi ghi nhận được ở Loóng Luông (Sơn La) là vận động người có uy tín, sau đó nhờ họ phân nhóm họ hàng theo từng xóm để tuyên truyền cho mọi người. Mỗi tháng các nhóm lại tổ chức họp để so sánh, đánh giá kết quả và nắm tình hình cụ thể, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để có biện pháp ngăn chặn.

Mặt khác, nhiều năm liền chúng tôi phối hợp với công an, biên phòng tổ chức cam kết giữa xã với dân bản, không tham gia mua bán, tàng trữ ma tuý. Phương pháp này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Cùng với đó, chúng tôi vẫn giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phòng, chống ma túy gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các mô hình kinh tế giúp đồng bào tự chủ về lương thực, nâng cao mức sống mới chính là cách tạo ra sức mạnh nội sinh, giúp đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. 

             Lê San (ghi)