- Công tác quản lý nhà nước về thú y đã được quy định chặt chẽ bằng các văn bản pháp quy, thực tế đã hình thành hệ thống kiểm soát đồng bộ từ T.Ư đến địa phương.Việc thu phí, lệ phí trong công tác thú y đã được hình thành và duy trì liên tục trong nhiều năm qua, hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của ngành thú y, nhất là các địa phương. Nay nếu không thực hiện thu phí, riêng 21 chi cục thú y tỉnh, thành phía Nam sẽ mất thu gần 200 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn, đời sống nhân viên trong ngành vì mất cân đối thu chi, không có đủ tiền trả lương cho nhân viên.
Rõ ràng lương của nhân viên thú y đã được nhà nước trả và việc kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh trong gia súc, gia cầm là trách nhiệm của ngành. Sao phải thu phí mới làm?
Quan điểm
Nếu không thực hiện thu phí, riêng 21 chi cục thú y tỉnh, thành phía Nam sẽ thất thu gần 200 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn, đời sống nhân viên trong ngành. Nếu bỏ hết các khoản phí thì đề nghị ngân sách phải cấp bù để duy trì các hoạt động bình thường.
- Hiện biên chế cho ngành thú y ở các địa phương ít, mức trung bình khoảng 20 biên chế/tỉnh, trong khi công việc kiểm dịch và phòng chống dịch rất nhiều, đa phần phải hợp đồng lao động. Trong điều kiện địa bàn rộng, chăn nuôi phân tán, để thực hiện công tác kiểm dịch và phòng chống dịch, các chi cục phải ký kết hợp đồng lao động và sử dụng nguồn phí, lệ phí trong công tác thú y để thanh toán cho lực lượng này. Qua rà soát trong cuộc họp, chi cục 17 tỉnh, thành báo cáo hiện các tỉnh đang ký hợp đồng với khoảng 2.000 cán bộ thú y. Nếu Bộ NNPTNT cùng Bộ Tài chính cắt bỏ hết 31 khoản thu phí trong công tác kiểm dịch gia cầm, 2.000 cán bộ này sẽ không có lương và cần nhà nước cấp bù khoản thiếu hụt này để trả lương cho họ.
Doanh nghiệp cho rằng nhiều khoản thu phí là vô lý, do ngành thú y chế ra để lạm thu tiền của dân. Chẳng hạn nếu đã kiểm dịch đàn gà trước khi xuất chuồng, vậy sao còn phải kiểm dịch lần nữa khi tới cơ sở giết mổ?
- Trong quá trình vận chuyển có thể phát sinh nhiều vấn đề như stress do nắng nóng, dịch bệnh bột phát làm gà chết, thương lái đánh tráo thay gà khác chưa có kiểm dịch vào. Hoặc trên đường vận chuyển, thương lái dừng lại bơm nước, tiêm thuốc tiền mê (chất cấm) vào heo, gà. Kể cả khi về đến cơ sở giết mổ rồi vẫn xảy ra tình trạng bơm nước vào gia súc, gia cầm như báo chí thời gian qua đã đưa tin...
Nhưng thực tế, sau khi kiểm tra thú y đã niêm phong cẩn thận gia cầm để đưa lên xe vận chuyển. Vậy làm sao thương lái có thể lấy gia cầm để bơm nước hay tráo đàn heo, gà khác?
- Nói thật, nếu trình độ chăn nuôi của chúng ta cao, thương lái, doanh nghiệp có tâm thì nếu có bỏ hết các khâu kiểm soát, kiểm dịch gia cầm, chúng tôi cũng bằng lòng và hoan nghênh. Lúc đó khâu nhân viên cũng tinh giản bớt, chúng tôi chẳng cần có thêm 2.000 nhân viên theo hợp đồng làm gì. Nhưng thực trạng hiện nay chúng ta vẫn đang chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm đến 65-70% tổng đàn), nhiều người còn làm ăn theo kiểu chộp giật, vì lợi nhuận bất chấp tính mạng người tiêu dùng.
Nhưng thực tế là hoạt động kiểm dịch đang bị lạm dụng. Chính Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời trước Quốc hội là có tình trạng “đếm trứng thu tiền”. Vì sao các ông khăng khăng muốn giữ các khoản phí đó?
- Quả thật, nhiều thủ tục hành chính trong hệ thống quản lý của ta còn chậm chuyển đổi. Chúng tôi cũng đang kiến nghị tháo gỡ, đảm bảo mọi hoạt động kiểm dịch phải giải quyết cho người dân trong vòng 24 giờ. Ngoài ra như đã nói ở trên, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính giữ nguyên các công tác kiểm dịch cũng như các khoản lệ phí kiểm dịch trong chăn nuôi là cần thiết do trình độ chăn nuôi của nước ta còn thấp.
Xin cảm ơn ông!
Ông Komon Liamnimit- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam: Nên để doanh nghiệp tự xuất giấy kiểm dịch
Việc Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề xuất bỏ 31 khoản thu phí trong công tác kiểm dịch gia cầm là rất đúng đắn. Song theo tôi, Bộ trưởng nên mạnh dạn bỏ luôn phí kiểm soát giết mổ vì một đàn gà khi xuất chuồng nếu đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tức đàn gà đó an toàn, không có dịch bệnh, thì mấy tiếng sau chuyển tới giết mổ vẫn an toàn. Thu thêm phí kiểm soát giết mổ nữa là phí chồng phí. Ngoài ra để tiết kiệm chi phí và nhân lực, vấn đề mà các chi cục thú y đang quan tâm hiện nay, tôi đề xuất Bộ NNPTNT có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan. Cụ thể là giao toàn bộ công tác phòng chống dịch (phun thuốc tiêu độc sát trùng, vệ sinh khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh, lấy máu xét nghiệm, chuồng trại an toàn,…) cho trang trại, doanh nghiệp tự làm (họ có thể thuê dịch vụ làm tùy họ). Họ sẽ làm tốt khâu này bởi nếu dịch bệnh xảy ra, đàn gà chết hết thì họ sẽ là người thiệt hại đầu tiên. Chi cục thú y địa phương lúc này chỉ giữ vai trò hướng dẫn, tập huấn và kiểm tra một vài lần đầu đến khi họ làm tốt thì thôi. Lúc này khâu giám sát, cấp giấy chuồng trại an toàn, nếu trang trại đã đạt chuẩn, thì nên cấp giấy 5 năm/lần, chứ đừng mỗi lứa gà xuất ra lại kiểm tra chuồng trại một lần như hiện nay là “hành” người chăn nuôi.
Tôi đồng ý rằng do trình độ chăn nuôi của Việt Nam còn thấp nên cần một quá trình để thay đổi. Nhưng các bạn phải làm nhanh và quyết liệt hơn nữa vì cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng ASEAN, sang năm là ký kết Hiệp định TPP.
Ông Trương Cao Sơn- chủ một trang trại ở Hòa Bình:Con lợn cứ đưa lên xe là mất tiền
Không chỉ có gia cầm, hiện việc kiểm dịch đang bị lạm dụng quá mức, như với con lợn, chỉ cần đưa lên xe là mất tiền, mất đủ thứ. Thực tế, họ cũng có kiểm dịch gì đâu, thủ tục kiểm dịch chỉ là cái cớ để thu tiền của người dân và doanh nghiệp, chứ ít khi họ chịu vào tận chuồng kiểm dịch cho mình. Không những thế, việc thu phí kiểm dịch kiểu này còn tạo điều kiện cho hàng lậu lưu thông, bởi giá hàng lậu rẻ, các chủ hàng chỉ cần chạy chọt giấy kiểm dịch là xong. Chúng tôi nuôi được con lợn đã vất vả lắm rồi, nhưng đủ thứ kiểm dịch còn làm doanh nghiệp, người dân chúng tôi mệt hơn.
Tất nhiên, cũng có thể việc cắt hết các khoản thu phí sẽ dẫn tới việc không có tiền nuôi bộ máy thú y và có thể ngân sách nhà nước phải cấp bù. Nhưng dù gì cũng không nên người dân để thu phí, vì người chăn nuôi đã khổ lắm rồi.
Song Anh - Ngọc Lê (ghi)