“Tư gàn” trồng thanh long
Trước năm 2011, ông Trần Văn Tư (xã Phổ Quang) canh tác nhiều loại hoa màu trên hơn 5 sào đất vườn nhưng hiệu quả đạt thấp vì đất cát bạc màu và thiếu nước tưới. Ông mày mò tìm hiểu và cất công vào tận Ninh Thuận mua 45 hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trong vườn nhà. Thấy vậy, nhiều người gán cho ông biệt danh “Tư gàn”. Ngay cả vợ con của ông cũng “ngó lơ” vì “chẳng biết bao giờ mới có ăn”. Ông cần mẫn chăm bón và mỉm cười mãn nguyện khi những nhánh thanh long phát triển xanh tốt và cho những quả ngọt đầu tiên sau hơn 2 năm vun trồng. “Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ rất đơn giản. Sau khi trồng trụ, bón lót ít phân bò xuống hố rồi trồng hom giống. Khi thanh long bắt đầu phát triển thì hòa ít phân urê tưới cho cây. Thường thì 7 ngày tưới 1 lần, nếu vào thời điểm nắng nóng thì 4 ngày tưới nước. Cứ 6 tháng thì tôi phun thuốc nhúng mùng (Fendona) để chống kiến ăn cùn ngọn, cây chậm phát triển…” – ông Tư chia sẻ.
Giờ 100 trụ thanh long ruột đỏ trong vườn nhà ông Tư đã cho quả ngọt với trọng lượng mỗi trái từ 0,8 – 0,9kg. Hàng tháng, ông thu hoạch 2 đợt vào dịp rằm và mùng 1 âm lịch với sản lượng trung bình từ 300 – 400kg. Thanh long ruột đỏ được tư thương đến tận nhà thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ông Tư còn ươm giống bán cho những hộ dân trong xã. “Giờ thấy cây ra trái sum suê nên vợ và các con tôi phấn khởi lắm. Bả với mấy đứa nhỏ vui vẻ tưới nước rồi mua kéo về cắt trái và chăm bón cây. So với canh tác những loại cây trồng khác thì thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao hơn cả. Nhiều người lúc trước bảo tôi gàn nay cũng đã đến nhà mua giống và nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ…” – ông Tư cho biết.
Vươn xanh trên cát trắng
Xã Phổ Quang hiện có khoảng 200ha bị bỏ hoang hóa do đất cát bạc màu và thiếu nước, rất khó khăn trong việc canh tác các loại cây hoa màu. Vì vậy, nhiều hộ dân đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng cho phù hợp và họ đã chọn cây thanh long ruột đỏ. Hiện trên địa bàn xã có 27 hộ trồng loại cây này với diện tích hơn 1ha. Những vườn thanh long xanh tốt, sum sê quả ngọt trông thật hấp dẫn. Nhiều hộ đạt mức thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Phổ Quang rất đạt hiệu quả. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, phân bón cho người dân trồng 5 sào. Hiện vườn thanh long của những hộ này đang phát triển khá xanh tốt. Trong thời gian đến, Hội sẽ vận động hội viên mở rộng diện tích loại cây trồng này để tăng nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống” – bà Đồng Thị Kim Liên- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Quang cho biết.