Dân Việt

Tính được hàng lậu trong kinh tế ngầm rất khó!

Mai Hương 27/06/2015 16:11 GMT+7
Thừa nhận con số 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam không được thống kê có nguyên nhân lớn từ buôn lậu, gian lận thương mại, kinh tế ngầm song lãnh đạo Tổng cục thống kê cho biết, không thể bóc tách được con số này cụ thể như thế nào…

“Chúng tôi cũng muốn bóc tách 20 tỷ USD nhưng chỉ có thể làm được khi có phía Trung Quốc phối hợp. Tính được hàng lậu trong kinh tế ngầm rất khó, nếu chúng ta tính toán được con số này thì đã không còn là lậu nữa. Chính vì không thống kê được nên mới gọi là lậu”, bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục thống kê) nói tại cuộc họp báo chiều 26.6.

img
Không thể thống kê  nổi số hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam. Ảnh minh họa: SGT

Bà Thủy cho biết, Trung Quốc hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa với Việt Nam là phổ biến. Hai nước lại có chung biên giới nên các hoạt động giao thương tiểu ngạch không thống kê được. Từ năm 2009 về trước, Việt Nam thống kê theo nước gửi hàng nên chênh lệch ít. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam thống kê theo nước xuất xứ nên chênh lệch này đã tăng vọt.

Có hai nguyên nhân chính khiến chênh lệch số liệu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc lớn, theo bà Thủy, đó là do phương pháp thống kê của ta. Trung Quốc mua hàng nước khác bán cho chúng ta được chúng ta ghi nước khác, chỉ hàng Trung Quốc sản xuất ta mới ghi hàng Trung Quốc.

Luồng hàng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu thống kê của ta không tính vì cho rằng không tham gia sản xuất tiêu dùng của ta. Việc áp trị giá thống kê (cao thấp khác nhau) cũng dẫn tới chênh số liệu thống kê giữa hai nước.

Bà Thủy cũng thừa nhận nguyên nhân lớn thứ hai khiến chênh lệch số liệu 20 tỷ hàng hóa với Trung Quốc là do buôn lậu, gian lận thương mại. Do kiểm soát hàng hóa khó, Trung Quốc xuất tiểu ngạch, phía Trung Quốc ghi nhưng Việt Nam lại không ghi. Hàng chịu thuế cao đã bị ghi giá trị thấp khi nhập khẩu để gian lận, trốn thuế… Buôn lậu thì hoàn toàn không thể thống kê  nổi…

“Để lượng hóa tác động của sự chênh lệch này chỉ có cách phối hợp hai nước để rà soát. Ta cần một cơ chế phối hợp với Trung Quốc để xem xét luồng hàng, từ đó có các giải pháp quản lý buôn lậu, gian lận thương mại, hỗ trợ sản xuất trong nước và chuẩn bị cho các hiệp định thương mại và Việt Nam tham gia” - bà Thủy đề xuất.

Về lâu dài, bà Thủy cho rằng, Hải quan Việt Nam cũng cần thay đổi tiêu chí thống kê theo nước xuất khẩu và nước gửi hàng để phù hợp với thông lệ quốc tế và chính xác hơn với thực tế xuất nhập khẩu.

Theo công bố của cơ quan thống kê, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc vẫn lên tới 12,4 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 12,8%. Chỉ đơn cử mặt hàng ô tô, 6 tháng đầu năm 2014 Việt Nam nhập 3.400 chiếc thì 6 tháng đầu năm nay, con số này lên tới 13.400 chiếc.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm nay của cả nước nói chung cũng lên tới 3.7 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tổng cục thống kê thừa nhận, nhập siêu năm nay khó đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là bằng 5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. “Đây là vấn đề hết sức khó khăn nếu cuối năm không có giải pháp để tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu”,  ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng Cục thống kê nhận định.