Dân Việt

Ôm nợ vì xuất khẩu lao động chui

AN SƠN 29/06/2015 11:11 GMT+7
Không chịu nổi cảnh sống khốn khổ ở xứ người, nhiều thanh niên ở Thừa Thiên- Huế đi lao động chui tại Cộng hòa Angola phải về nước trong cảnh nợ nần đầm đìa.

Bị cướp bóc, đánh đập

Sau gần 2 tuần trở về từ Angola, anh Tôn Thất Đại (32 tuổi, ngụ thôn 4, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày tháng kinh hoàng đã trải qua. Cách đây gần 3 năm, thấy thanh niên trong vùng lũ lượt kéo nhau sang Angola lao động chui, anh Đại cũng xin gia đình cho đi. Sau khi vay mượn 150 triệu đồng nộp cho đường dây xuất khẩu lao động chui ở Hà Tĩnh, anh Đại được đưa sang Angola theo đường hộ chiếu du lịch.

img
 Anh Đặng Duy Tiến (phải) kể với PV NTNN về những ngày tháng kinh hoàng khi đi làm chui tại Angola. (Ảnh: A.S).

Tại quốc gia miền nam châu Phi, anh Đại được đưa vào làm thợ hồ cùng nhiều người Việt Nam tại các công trường xây dựng ở thủ đô Luanda. Ngoài phải sống chui lủi quanh năm nơi công trường do không có giấy tờ hợp pháp, anh Đại còn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm do nạn cướp bóc lộng hành. Nhiều lần anh Đại và nhóm thợ người Việt Nam đang nằm ngủ ban đêm thì bị dân bản địa mang súng vào uy hiếp cướp tiền. “Những lúc đó có bao nhiêu tiền trong người chúng tôi đều phải đưa cho bọn cướp, vì nếu không đưa thì sẽ bị đánh đập hoặc bị bắn chết”- anh Đại kể với nét mặt thất thần.

Anh Đặng Duy Tiến (29 tuổi, ngụ cùng thôn 4) cũng vừa trở về từ Angola sau 2,5 năm lao động chui ở quốc gia này. Thời gian làm thợ hồ chui ở Angola với anh Tiến là những chuỗi ngày sống trong sợ hãi. “Đêm nào nằm ngủ trong lán trại tại công trường tôi cũng thót tim vì những tiếng súng nổ chát chúa. Nhiều lao động làm việc chui tại đây vì chống cự bọn cướp nên đã bị chúng bắn chết”- anh Tiến cho biết.

Cũng theo anh Tiến, ngoài những người may mắn trở về được sau một thời gian cố bám trụ tại Angola như anh, hiện còn rất nhiều thanh niên ở Vinh Hà cũng như nhiều địa phương khác ở nước ta làm việc bất hợp pháp tại đây chưa thể về nước do bị chủ sử dụng lao động thu mất hộ chiếu.

Ôm nợ

Vừa trở về từ Angola trong tình trạng mắc bệnh sốt rét nhưng anh Nguyễn Ngọc Bằng (30 tuổi, ngụ thôn 4, xã Vinh Hà) đã phải ra Nghệ An làm thợ hồ để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Vợ anh Bằng cũng phải giao lại đứa con nhỏ cho mẹ chồng để đi làm thuê kiếm thêm tiền trả nợ. Để anh Bằng được đi xuất khẩu lao động chui ở Angola, gia đình anh phải mang sổ đỏ đến ngân hàng cầm cố vay 150 triệu đồng nộp cho một đường dây ở Hà Tĩnh. Vậy nhưng, chỉ sau 7 tháng sang Angola, anh Bằng đã phải trở về nước vì bệnh sốt rét hành hạ và vì quá sợ hãi trước nạn cướp bóc lộng hành.

Bà Nguyễn Thị Hương- mẹ anh Bằng- kể rằng, do nghe người ta đi lao động chui tại Angola mỗi tháng kiếm được hàng chục triệu đồng nên bà mới cho con trai đi. “Qua đó hắn mới tích cóp được vài chục triệu gửi về nhà trả nợ thì đã phải về nước. Giờ còn hơn 100 triệu đồng tiền nợ nữa không biết khi mô mới trả hết”- bà Hương rầu rĩ. Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Hương là nhiều gia đình khác ở Vinh Hà có con vừa trở về sau khi làm việc bất hợp pháp tại Angola.

Theo nhiều thanh niên vừa trở về từ Angola, ở quốc gia này, mỗi ngày làm thợ hồ họ được trả tiền công từ 30-50USD. Tuy nhiên, do thường xuyên bị cướp bóc nên số tiền mà họ tích cóp được mỗi tháng không nhiều. Mặt khác, muốn gửi tiền về nhà họ phải thông qua người khác với các khoản chi phí “cắt cổ”. Để gửi 1.000USD về nhà, người lao động phải trả chi phí từ 500-600USD, nên mặc dù tiền công được trả khá cao nhưng tiền gửi về nhà không được bao nhiêu. Vì vậy, nhiều thanh niên sau nhiều năm cố gắng bám trụ ở Angola đến khi trở về vẫn không có tiền trả nợ ngân hàng.

Ông Đặng Ngọc Thu- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà cho biết, toàn xã có hơn 100 thanh niên đi lao động chui tại Angola. Đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 15 thanh niên trở về được quê nhà. Theo ông Thu, phong trào thanh niên ở xã đi lao động chui ở Angola diễn ra từ 4 năm trở lại đây. “Họ được một đường dây ở Hà Tĩnh móc nối đưa đi lao động chui với chi phí mỗi người phải nộp từ 130-150 triệu đồng. Họ đi bất hợp pháp theo hộ chiếu du lịch nên chính quyền xã không thể quản lý”- ông Thu nói.

Không chỉ ở Vinh Hà mà nhiều địa phương khác ở huyện Phú Vang cũng có nhiều thanh niên đi lao động chui ở Angola, phần lớn thanh niên trong số này chưa về nước. Ông Đỗ Viết Tư- Chủ tịch UBND xã Vinh Thái cho biết, vừa có 3 thanh niên xã này đi lao động chui ở Angola phải trở về quê do không chịu nổi tình trạng loạn lạc. Theo ông Tư, thanh niên ở xã này đi lao động chui tại Angola thông qua một đầu mối tại thị xã Hương Thủy và chính quyền xã rất khó quản lý.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH): Vẫn còn 400.000 lao động bất hợp pháp

Từ năm 2013,  Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi các tỉnh, thành đề nghị  tăng cường cảnh báo cho các lao động về nguy cơ bị lừa đảo khi đi xuất khẩu lao động chui ở Angola. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, nghĩ tiền lương cao nên mỗi năm vẫn có hàng nghìn lao động đi theo đường du lịch, rồi bỏ trốn ở lại làm việc. Hiện có khoảng hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Angola. Lao động làm việc bất hợp pháp ở Angola phải sống trong nỗi sợ hãi của sự cướp bóc, bị chủ sử dụng bạo lực, bóc lột. Việc chuyển tiền từ Angola về nước của người lao động gặp rất nhiều rủi ro bởi nước này đã mất thanh khoản quốc tế, tất cả mọi giao dịch về tiền nong đều phải chuyển qua đường chợ đen, nên phí chuyển rất cao.                                                                                                                    
Minh Nguyệt (ghi)