Nhằm kiểm chứng thông tin, PV đã có cuộc khảo sát tại các vùng trồng sầu riêng lớn của tỉnh này.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên Phòng Kinh tế TX Long Khánh cho biết, sầu riêng là cây trồng chủ lực của TX. Nếu thông tin này là thật, thương hiệu sầu riêng của TX sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà cùng một số cán bộ Phòng Kinh tế đã xuống từng vựa, vào từng vườn các hộ nông dân kiểm chứng. Tuy nhiên, thực tế không hề có hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua sầu riêng non với giá cao. Bản thân nông dân cũng không đời nào đi bán trái non, vì chúng có ăn được đâu, bán giá cũng thấp hơn trái chín, lại bị mang tiếng nên chẳng ai dại...
Xã Xuân Lập vừa triển khai mô hình thâm canh sầu riêng rất thành công. Thông tin bán sầu riêng non khiến cả nông dân và cán bộ xã thực sự lo ngại. Anh Phan Văn Bảo, ấp Phú Mỹ cho biết: “Làm gì có chuyện thương lái ở đây vào mua sầu riêng non. Họ làm ăn rất tử tế, lựa trái chín hoặc gần chín mà cắt, những trái non để lại đợt sau mua”.
Theo ông Tạ Văn Hậu, Phó Chủ tịch xã Xuân Lập: “Chúng tôi đã gặp các nông dân sau buổi hội thảo và khảo sát trực tiếp tại nhiều vườn. Việc mua sầu riêng non cần phải cụ thể. Nếu "non" điểm 6, 7 (tính trên 10 điểm là chín đẹp) thì thu mua là rất bình thường, diễn ra suốt nhiều năm nay, vì lúc này trái cũng đã ngả vàng, để khoảng vài ngày là chín. Còn non mà cỡ 4, 5 thì chẳng ma nào mua, cũng chẳng nông dân nào bán, vì trái còn chưa tạo múi”.
Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng trạm Khuyến nông TX Long Khánh giải thích: “Trái sầu riêng ở đây có 2 giai đoạn chín, thứ nhất là chín sinh lý và sau đó là chín rụng. Chín sinh lý là khi trái đạt độ 7 điểm, cơm màu vàng, có mùi thơm, có chất dinh dưỡng rồi. Lúc này nông dân thu hoạch là được, vì chỉ cần xử lý hoặc để vài ngày là có thể chín và đem bán. Giai đoạn chín thứ hai là chín hoàn toàn, khi thời điểm trái rụng xuống”.
Tiếp tục khảo sát ở huyện Xuân Lộc, nhiều nông dân giải thích với PV: “Thông thường, khi thương lái thu mua sầu riêng, họ sẽ đến tự cắt những trái chín, cân ký và gửi tiền. Tuy nhiên, cũng có nhiều thương lái mua theo hình thức bao trọn vườn. Một vườn như vậy, họ sẽ ước chừng một mức giá, thường là vài ba trăm triệu, nếu nông dân đồng ý họ sẽ gửi tiền và tiến hành cắt trái”.
Đối với cách thu mua theo kg, thương lái sẽ tự vào vườn lựa và cắt sầu riêng, sau khi đã thống nhất giá. Họ thường chỉ cắt những trái đã chín, hoặc có độ chín từ 6,5 - 7 điểm trở lên, chứ thấp hơn thì không cắt.
Thời điểm này, trái vẫn chưa ăn được, nếu để trên cây chừng 1 tuần đến 10 ngày là sẽ chín. Thương lái sẽ dựa vào đó để tính thời điểm để trái tại vựa, rồi vận chuyển tiêu thụ để căn độ chín.
Anh Tuấn, một thương lái giải thích: “Nếu mua bao trọn vườn, tui cũng không cắt trái non, mà để nó lại vườn chờ chín mới cắt. Bởi lẽ, nếu cắt trái non quá, sầu riêng còn nhỏ, xanh lè, cơm trắng toát, có làm gì được đâu, bán các vựa cũng lọc và bỏ lại, chỉ tổ thiệt.
Những trái đạt độ chín từ 7 trở đi đang được mua với giá 26.000 - 27.000 đ/kg, còn trái chín có giá 32.000 - 33.000 đ/kg. Chả lẽ nông dân lại dại đến mức không đợi thêm vài ngày cho chín mà gom trái non để bán rẻ?”. Anh Trần Thụy Nguyên ở ấp Đông Doanh, xã Xuân Tân, TX Long Khánh thì khẳng định: “Các hộ trồng sầu riêng quanh ấp của tôi có rất nhiều, thương lái vào vườn mua trái thường xuyên, nhưng tôi khẳng định không có hiện tượng họ cắt trái nào non dưới 7 điểm. Đây chỉ là những tin đồn thất thiệt!”