Tiêu biểu là vườn điều ghép của ông Đặng Văn Bê, đạt năng suất cao nhất xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom.
Ông Bê cho biết: “Vườn điều ghép giống PN1, AB29, AB05-08 của tôi nhiều năm nay cho năng suất cao gấp đôi giống điều thực sinh, 4 ha cho thu từ 15 - 16 tấn hạt/năm. Tính trung bình mỗi ha thu 4 tấn và chưa năm nào bị thất thu”.
Để đạt được kết quả trên, ông Bê chú trọng đến việc xử lý sâu bệnh vào tháng 8 và tháng 9. Việc bón phân ngay vào tháng 8 (thời điểm kết thúc thu hoạch điều) nhằm giúp cây phục hồi trở lại sau thời gian dài cho trái.
Đặc biệt, tháng 9 là tháng quan trọng nhất, vì lúc này cây bắt đầu ra lá, chuẩn bị những bước để phát triển trái cho mùa tới. Đây cũng là thời điểm sâu bệnh tấn công phá hoại, đặc biệt là bọ xít muỗi và sâu đục thân.
Nếu không xử lý kịp thời, các đối tượng này sẽ đốt, đục gây thối cành, chết cành, thối thân, khiến cây rất dễ chết.
Để “mục sở thị”, chúng tôi đã đến tham quan toàn bộ 6 ha điều ghép của gia đình ông Bê (trong đó 4 ha đang cho trái). Quả thực vườn điều phát triển rất tốt, cây nào cây nấy chắc khỏe, xanh mướt. Điều đặc biệt, trong khi các vườn xung quanh thời điểm này hầu như đã hết trái, thì vườn của ông vẫn còn rất nhiều trái chín đỏ.
Thời gian qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) quyết liệt đẩy mạnh ghép cải tạo vườn điều, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều đã phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên điều tra nhanh cơ cấu giống và cây điều dầu dòng.
Kết quả cho thấy khoảng 40% diện tích điều được trồng bằng giống điều ghép, trong đó chỉ 50% diện tích nói trên trồng đúng giống có năng suất và chất lượng tốt (PN1, TL2/11, MH5/4, AB29, AB05-08), 50% diện tích còn lại bị lẫn giống BO1 và một số giống điều khác không rõ nguồn gốc khiến năng suất thấp, hạt nhỏ.
Các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đang tồn tại nhiều cơ sở SX giống điều không có nguồn gốc rõ ràng, chồi giống lẫn tạp với số lượng ước tính hơn 2 triệu cây. Vì thế, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều kiến nghị Sở NN-PTNT các tỉnh kiểm soát chặt chẽ các cơ sở này, nghiêm cấm hành vi mua bán giống không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, hỗ trợ bảo tồn cây điều đầu dòng và xây dựng vườn giống điều đầu dòng tại các trung tâm giống cây trồng của tỉnh, phục vụ ghép cải tạo vườn điều.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đề nghị các địa phương tăng cường cấp kinh phí cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng và chuyển giao mô hình ghép cải tạo, thâm canh tổng hợp điều.
Bộ NN-PTNT xem xét công nhận vườn giống điều đầu dòng cấp quốc gia; đồng thời giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ và Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu chọn tạo giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác điều và ứng dụng công nghệ sinh học trong BVTV cho cây điều.