60.000 đồng/m3 đất ruộng
Có mặt tại đồng ruộng xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh) lúc sáng sớm, chúng tôi phát hiện một công trường khai thác đất ruộng cấp tập với 2 máy múc và 5 xe ben chở đất chạy tung bụi bay mù. Chúng tôi vừa ghi hình thì ngay lập tức hoạt động khai thác đất ruộng tại đây dừng lại. Một nhóm người ăn mặc chỉn chu đang chỉ đạo khai thác đất tại hiện trường liền nhảy vào xe ô tô biển số 74C 024.26 chạy đi. Theo tìm hiểu của phóng viên, xe ô tô trên có đăng ký mang tên Công ty TNHH MTV Tiên Tiến (đóng tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh).
Tiếp tục đến cánh đồng xã Vĩnh Lâm, cách trụ sở UBND xã này chừng 1km, chúng tôi chứng kiến cảnh đất ruộng ở đây đang được múc bán ngang nhiên trên một diện tích lớn. Từng gàu đất mặt màu đen mun, tơi xốp lần lượt được xúc đưa lên xe tải chở đi nơi khác. Phát hiện chúng tôi chụp hình, đội quân khai thác đất ở đây ngừng hoạt động.
Theo một nông dân tên Cảm (thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm), mỗi khối đất ruộng được anh này bán giá 60.000 đồng. Đất ruộng của anh Cảm sau khi bán được xe tải chở về cung cấp cho lò gạch Linh Đơn đóng tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh). Anh Cảm nói rằng, vì chân ruộng cao gây khó khăn trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nên anh múc đất bán để hạ độ cao. “Người ta khai thác đất nhưng phải trả lại lớp đất mặt cho mình, độ sâu khai thác là 0,2m” - anh Cảm nói.
Chính quyền cho phép
Theo ông Thái Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, việc khai thác đất ruộng ở huyện đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng là do dân tự ý làm. Năm nay, vì nhiều lý do nên UBND huyện đề nghị Phòng TNMT kiểm tra, hướng dẫn nông dân làm đúng thủ tục cần thiết. Sau đó, nông dân đã có hồ sơ, đơn xin cấp phép cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất dư thừa làm vật liệu san lấp công trình. Phòng TNMT huyện đã tiến hành thẩm định nên UBND huyện mới ký quyết định đồng ý cho cải tạo.
Theo hồ sơ chưa đầy đủ mà UBND huyện Vĩnh Linh cung cấp thì đã có hàng chục hộ dân thuộc các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy… được đồng ý cho khai thác đất ruộng với diện tích trên 2,3ha. Theo quan sát của phóng viên, trên thực tế, việc múc đất hạ độ cao không đúng quy định. Máy múc đã xúc luôn lớp đất mặt của các thửa ruộng để chở đi bán. Độ sâu hạ độ cao ở nhiều thửa ruộng là hơn 0,4m, gấp đôi quy định cho phép. Mặt bằng ruộng sau khi múc đất là những tảng đất cứng, bạc màu, lồi lõm…
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Năm – Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Linh khẳng định, ngày nào cũng có cán bộ của phòng đi kiểm tra việc cải tạo đất ruộng. Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh thực tế đang diễn ra thì ông này lại phân bua rằng phòng chỉ có ít người nên không thể tiến hành kiểm tra(!?).