Ở làng tôi, xưa vốn không có những hồ sen rộng như sen Hồ Tây. Tới mùa, sen từ dưới bùn lầy vươn lên mà nở khắp các con cừ nước chạy dọc theo đường mòn dẫn đến ngôi đình làng cổ kính. Khác với những loài hoa sớm nở tối tàn, hoa sen cũng có thì, nhưng âm vang của hương sắc cứ ngân nga suốt bốn mùa.
Hình như, chỉ các cô gái vừa mới lớn lên là ham hái bông sen nhất. Ở vào độ tuổi non tơ, mơn mởn nhất, các cô vui đùa lội bùn hái sen như đồng điệu với hoa trong khúc xuân thì. Nhiều chàng trai đứng trên con đường làng lưu luyến trước cảnh huống ấy, đâu đây khẽ vang lên một tiếng thở dài, rồi phận người cũng chìm nổi như sen.
Mùa thu, hoa kết đài, lá sen khô giòn héo rũ thành chiếc áo thơm ôm gói cốm thơm đêm rằm Trung thu. Đó cũng là khi những cô gái đương thì theo thuyền hoa sang sông từ độ chớm heo may. Đầm thưa vắng trơ những cuống sen khô cằn, chỉ còn hương sen náu trong hạt sen phơi bên hiên nhà vẫn âm thầm sâu lắng một mùi hương.
Đêm lặng gió, trời cao, mẹ múc cho tôi bát chè sen mà lòng mát rượi. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, trang giấy trắng, mùi hương thanh tao... tất cả âm hưởng ấy khiến tôi lạc vào những suy cảm miên man về bao kiếp văn nhân, tài tử. Đẩy cánh cửa bước ra hiên nhà, thấy nội tôi đang uống bát nước đun từ lá sen với đôi mắt hiền từ. Nội bảo đời sen cũng tựa như đời người, biết vượt lên cơ cực mà tỏa hương. Hương ấy cứ tự nhiên mà được người đời biết tới.
Sau này, khi xem những trang tạp chí, bắt gặp rất nhiều bức ảnh thiếu nữ chụp bên sen, nhờ sen tôn lên vóc dáng. Cũng có nhiều vùng người ta thả sen trong đầm, trong bể cảnh non bộ, sen nở bên những bờ hồ, tường bao… Lại có những căn phòng trong các gia đình quyền quý người ta cắm những bình hoa sen để hương đồng quê tỏa ngát trong phòng.
Dẫu vẫn biết đó cũng là cách để làm tôn lên vẻ đẹp của hoa sen nhưng có lẽ, chỉ khi tỏa hương, khoe sắc nơi những hồ, đầm dân dã bình dị nhất sen mới là sen. Bông sen muôn đời phải bám rễ giữa bùn lầy mới vươn lên tỏa dạng dưới trời xanh của đất quê hương.