Thanh niên Khmer ở tuổi từ 15 tuổi trở lên ai cũng phải tu báo hiếu. “Ai không tu sẽ bị xem là thiếu đức độ, không tôn trọng truyền thống và bị cộng đồng cho là một người mất nết” – anh Chau Vích Thi- cán bộ một cơ quan cấp tỉnh cho biết.
Còn theo hòa thượng Chau Sơn Hy - Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo An Giang, hoạt động tu báo hiếu một phần theo thói quen, tập tục truyền thống, một phần do bà con phật tử trong mùa hè có thời gian rảnh nhiều hơn. Nhưng quan trọng nhất là ai cũng muốn con em mình nhập tu trong mùa an cư kiết hạ, cũng là mùa vu lan báo hiếu.
Tu báo hiếu không những có ý nghĩa bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn có tác động đến nhân cách đạo đức con người trong xã hội hiện đại. Ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn thông tin: “Mặc dù tập tục tu báo hiếu đã có từ xưa nhưng nó không làm ảnh hưởng đến việc làm của thanh niên Khmer ở đây, kể cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước của huyện hầu hết ai cũng có thời gian đi tu. Tôi thấy rõ những cán bộ, viên chức trải qua khóa tu thì họ đĩnh đạc, chững chạc hơn; thái độ cũng như tác phong làm việc rất chuẩn mực. Đó là kết quả của những ngày học đạo ở nhà chùa. Tùy điều kiện, có người tu 1 tháng, 1 tuần, thậm chí 3 ngày, sau đó xuất tu, hoàn tục tham gia các hoạt động xã hội bình thường”.
Người dân Khmer cho rằng, nhờ tu báo hiếu, thanh niên sẽ có được những bài học đạo đức căn bản trước khi bước ra đời sống xã hội, thấm thía giá trị quý báu của những bài học làm người từ các nhà sư trong chùa. “Tu báo hiếu của thanh niên Khmer ngày nay đúng với phương châm sống tốt đạo đẹp đời. Tu báo hiếu vừa phát huy nét văn hóa truyền thống, vừa thức thời với cuộc sống văn minh hiện đại” - ông Châu Kim Sêng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang nhận định.