Theo đó, tính đến 1.10.2012, cả nước có 53,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có 52,1 triệu người có việc làm. Như vậy, cả nước có khoảng 1 triệu người thất nghiệp.
Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn (3,3% so với 1,4% trong 3 quý đầu năm 2012). TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 với mức 3,9%. Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 và 3, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc ở mức thấp nhất, gần 0,8%.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp không cao. Tuy nhiên, dù có việc làm nhưng nhiều lao động hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận làm việc tự do, mức thu nhập thấp và không ổn định”.
Số liệu thống kê cũng chứng minh rõ điều này: Lao động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực Nhà nước có xu hướng giảm dần qua các quý năm 2012 (giảm 3% từ quý I đến quý III). Ngược lại, lao động ở khu vực ngoài Nhà nước (những người tự tạo việc làm, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân...) lại tăng lên. Ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc ILO Việt Nam kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần thêm nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề nền kinh tế phi chính thức - một bộ phận gắn liền với năng suất thấp, thu nhập ở mức nghèo...”.
Minh Nguyệt