Xăm hình từ khi còn học phổ thông
Hình xăm bọ cạp được Nguyễn Việt Anh thực hiện vào khoảng thời gian kỳ 2 của năm học lớp 12, khi chỉ còn vài tháng nữa là cậu tốt nghiệp. Tâm lý của một cậu nam sinh trong độ tuổi mới lớn muốn mình được mạnh mẽ, dũng cảm để đương đầu với mọi thử thách trong đời. Những hình xăm bấy giờ chưa được phổ biến nhiều về mẫu mã, Việt Anh chỉ nghĩ đơn giản về tính thẩm mỹ mà nó mang lại thay vì xăm hình theo trào lưu.
“Phải lòng” với những hình xăm nhưng Việt Anh không muốn gia đình nhìn thấy nên cậu mặc áo dài tay để che đi. Nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, Việt Anh nhớ lại: “Bị mẹ mắng nhiều lắm, cứ suýt xoa mãi, bảo sao lại dại thế. Bấy giờ mọi người nghĩ chỉ dân xã hội mới xăm trổ nên ai xăm hình biết ngay họ không đứng đắn. Hồi đó, hai mẹ con có lời qua tiếng lại nhiều, bố giận nhưng tính ít nói nên cũng không mắng nhiếc, bạn bè nhìn thấy thì tránh mặt”.
Việt Anh tới trường luôn trong tình trạng lo sợ nhà trường biết việc xăm hình. Nhưng rồi vì tính tình hiền lành lại học tốt nên cậu được cô chủ nhiệm giúp đỡ để việc xăm hình không ảnh hưởng đến quá trình học tập, nhất là trong thời điểm gấp rút ôn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp và đại học.
Luôn cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét xăm.
Việt Anh sở hữu vẻ nam tính và tự tin với hình xăm kín tay.
Mất chức bí thư đoàn vì xăm hình
Môi trường đại học, sinh viên được thỏa sức sống với những đam mê thế nhưng việc nam sinh xăm hình như Việt Anh vẫn là một điều khó có thể chấp nhận được. Học được một thời gian, Việt Anh tự tin diện áo ngắn tay đến trường. Tuy nhiên, một số ít bạn bè cảm thấy thích thú vì cậu bạn cá tính này thì nhiều người không có cái nhìn thiện cảm về cậu.
“Thời gian ấy quả thực rất khủng khiếp, không thể hòa đồng với các bạn trong trường trong lớp, chỉ chơi với mấy cậu bạn trong phòng trọ, chính vì hình xăm mà bị mất chức bí thư đoàn. Cuộc sống xa nhà khiến mình càng thêm tủi nhục. Dù vậy không bao giờ vì những điều đó mà mình có ý định xóa hình xăm” - Việt Anh chia sẻ.
Nhưng vì đam mê quá lớn với nghệ thuật xăm hình và cái giá phải trả nghiệt ngã nên Việt Anh quyết tâm theo đuổi đến cùng. Giữa năm nhất đại học cậu bỏ ra một triệu đồng để mua chiếc máy xăm đầu tiên.
Số tiền 1 triệu đồng tuy ít với nhiều người nhưng với sinh viên năm nhất đại học Việt Anh là cả những ngày nhịn đói, nhịn chi tiêu hàng tháng mới tích cóp được. Vừa học vừa làm để nâng cao tay nghề. Không có tiền thuê địa điểm, Việt Anh nhận xăm tại gia cho khách hàng (xăm dạo). Vị khách đầu tiên ở Vĩnh Yên do một người bạn giới thiệu và 1 triệu đồng chính là số tiền đầu tiên cậu kiếm được.
Vừa theo đuổi chuyên ngành học trên lớp vừa tranh thủ thời gian xăm cho khách. So với nhiều sinh viên khác, Việt Anh có công việc làm thêm khá tốt và được làm chủ quỹ thời gian của chính mình nên dù có bận rộn đến đâu cũng không ảnh hưởng đến việc học tập.
Việt Anh coi mỗi tác phẩm như một đứa con tinh thần.
Việt Anh cùng một vị khách nước ngoài chụp hình kỷ niệm.
Hiện tại, Việt Anh sở hữu gần 20 hình xăm
Không dự định theo đuổi hay học chuyên sâu về bộ môn xăm hình, thế nhưng mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần được Việt Anh trao gửi tâm huyết. Tự đặt ra cho mình những mục tiêu để phấn đấu, dù khách đã ưng nhưng vì cậu chưa thấy đẹp nên sẽ không lấy tiền.
Vì là xăm dạo nên Việt Anh đành phải chấp nhận những rủi ro như bị khách bùng tiền hoặc nợ lâu, đổi lại cậu cũng được rất nhiều người quý mến vì tính cách hòa đồng và luôn hết mình cho công việc. Thời gian đó tuy ngắn nhưng cậu dần hoàn thiện khái niệm về nghề xăm hình và tự tin với công việc mình theo đuổi.
Gia đình hiểu được việc làm của Việt Anh và động viên, trở thành chỗ dựa vững chắc để cậu yên tâm thực hiện những đam mê của mình. Hiện tại, thu nhập hàng tháng của Việt Anh là 10 triệu đồng, theo cậu nói: “Đủ nuôi nghề và nuôi đam mê !”. Mong ước không xa có thể tìm được địa điểm xăm hình tốt và trở nên chuyên nghiệp hơn.