Hàng ngày khi rảnh rỗi, anh em chúng tôi thường ra đây chơi trò chơi nhà chòi, nhảy dây, đá banh... và khi chiều đến trải chiếc chiếu xuống dưới rặng cây này ngồi ăn cơm và ngắm nhìn những ghe xuồng qua lại trên sông.
Thấy các cháu vui đùa bên rặng bình bát, ông đến gần kể cho chúng tôi nghe về loại cây đặc hữu ở vùng này: Bình bát là loại cây hoang dã mọc nhiều ở miền quê Tây Nam bộ nơi các kinh rạch chằng chịt. Cây phát triển và thích nghi trong mọi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt.
Ngoài việc làm củi và làm cây chắn sóng, vỏ cây bình bát còn làm võng rất bền chắc mà ít người biết đến. Chỉ cần chặt những nhánh thẳng đem xuống sông ngâm nước cho lớp da bên ngoài nhũn, cạo bỏ lớp da mềm bên ngoài, lấy lớp da bên trong đem phơi khô, đánh tơi thành sợi đan thành những chiếc võng rất êm ái khó có loại dây nào sánh kịp. Còn trái bình bát chín là thứ quà vặt mà trẻ con rất ưa thích với vị ngọt nhẹ, thơm rất đặc trưng.
Thời gian trôi đi quá nhanh. Ngoại tôi giờ đã xa khuất, tôi nay đã có gia đình và sống nơi thành phố, ít có dịp về thăm quê. Một hôm trở về quê ngoại, thăm các cậu đang chăm sóc ngôi nhà thờ họ, tôi sững sờ vì những thay đổi quá nhanh ở nơi đây.
Con đường mòn yên ả với hàng tre rợp bóng bên đường ngày nào không còn nữa, nay đã thay bằng con đường tráng xi măng rộng lớn. Những mái nhà tranh ngày xưa, nay đã thay bằng những nhà tường, nhà lầu với những tường rào bao kín xung quanh. Còn những rặng bình bát bên mé sông, nơi mà ông tôi hết lòng chăm sóc cho đất vườn đừng lở, cũng như những kỷ niệm bền chặt của tuổi thơ anh em chúng tôi nơi đây, nay đã là khu tái định cư với nền cát san lắp cao vời vợi, chờ xây dựng những công trình mới,…
Bất chợt, bỗng nhớ đến bài thơ “Sông lấp Nam Định” của cụ Trần Tế Xương ngày nào ở những năm Trung học: