Món rau rừng đồ được tạo thành từ khá nhiều loại rau khác nhau, song chúng đều điểm chung là có vị đắng, chát ở đầu lưỡi khi ăn. Thông thường, đồng bào dân tộc Mường sẽ hái các loại rau quanh nhà như rau mơ, rau lang rừng, rau tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa và thân chuối rừng non thái mỏng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh.
Theo cách lý giải của các bậc cao niên thì vùng miền núi Hòa Bình trước đây vốn được biết tới như khu vực rừng núi có nhiều “chướng khí”, vậy nên trong cuộc sống người dân luôn tận dụng những vị thuốc có sẵn ở tự nhiên. Và các loại rau rừng đồ cũng là một trong những vị thuốc như vậy bởi theo y lý cổ truyền của người Mường thì những loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm sốt, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể... Các loại rau rừng sau khi hái về sẽ được rửa sạch, để ráo nước và sau đó đem đồ với ngọn lửa vừa phải. Khi rau chín tới sẽ được đưa ra và bày trên đĩa. Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực, hoa và thân cây chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của các loại rau rừng.
Nước chấm lòng cá chế biến song sẽ có màu vàng đậm của nghệ tươi cùng vị béo ngậy của lòng cá. Đó cũng là lúc mọi người cùng nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món rau rừng đồ. Vị chát, đắng tự nhiên ở đầu lưỡi như hòa quyện cùng với vị béo, ngọt, cay, thơm của thứ nước chấm lòng cá sẽ để lại ở mỗi thực khách những dư vị khó diễn tả thành lời.
Chỉ biết là, giờ đây, rau rừng đồ chấm lòng cá đã trở thành một món ăn được đồng bào người Mường ở Hòa Bình dùng trong những dịp gia đình đón tiếp đãi khách quý phương xa. Và thưởng thức rau rừng đồ chấm lòng cá cũng là cơ hội để du khách thêm hiểu hơn về đời sống văn hóa ẩm thực vốn rất độc đáo, phong phú của các thế hệ người Mường trên mảnh đất Hòa Bình hiếu khách.