Ngày 4.7.1776, Quốc hội Lục địa Mỹ đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố 13 thuộc địa Mỹ tách khỏi Liên hiệp Anh và tiến tới thành lập một quốc gia có chủ quyền. Kể từ đó đến nay, ngày 4.7 hằng năm được coi là ngày Quốc khánh của nước Mỹ.
Quốc hội Lục địa Mỹ là một tập hợp các đại biểu của các thuộc địa Anh tại Mỹ, và đây chính là cơ quan điều hành các nỗ lực chiến tranh của Mỹ trong cuộc cách mạng giành độc lập từ thực dân Anh.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang nô nức kỷ niệm ngày Quốc khánh, Cục Thống kê Dân số Mỹ đã tổng hợp những dữ liệu thú vị ít người biết liên quan đến sự kiện trọng đại này.
Vào ngày 4.7.1776, quốc gia mới giành được độc lập mang tên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chỉ có vỏn vẹn 2,5 triệu dân. Đến ngày 4.7.2015, dân số của quốc gia này đã gấp hơn 128 lần, lên tới 321,2 triệu người.
Có tổng cộng 56 người đã ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, trong đó có Benjamin Franklin, John Adams và Thomas Jefferson. Trong nhóm “bộ ngũ” soạn thảo bản tuyên ngôn này, Jefferson là người chắp bút nhiều nhất và viết gần như toàn bộ, bởi ông được coi là tay viết mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất.
Ông John Hancock, Chủ tịch Đệ nhị Quốc hội Lục địa là người đầu tiên đặt bút ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập này. Ông ký vào phần trống nhất ở bên trái phía dưới của văn kiện, biến nó thành chữ ký nổi tiếng nhất, đáng chú ý nhất trong bản tuyên ngôn. Ngày nay, người Mỹ vẫn thường dùng thuật ngữ “John Hancock” để ám chỉ chữ ký.
Trong số những người ký tên vào văn kiện này có 2 vị tổng thống tương lai của nước Mỹ, đó là John Adams (tổng thống thứ hai) và Thomas Jefferson (tổng thống thứ ba). Điều trùng hợp là cả hai vị tổng thống này đều qua đời vào ngày 4.7.1826, đúng ngày kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Độc lập Mỹ.
Benjamin Franklin là người già nhất trong số những người đặt bút ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (70 tuổi), trong khi người trẻ nhất là Edward Rutledge (đại diện cho Nam Carolina) mới chỉ 26 tuổi.
Một thứ không thể thiếu trong các lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của nước Mỹ là pháo hoa. Các màn biểu diễn pháo hoa được tổ chức ở gần Đồi Capitol và tượng đài Washington, và nhiều thành phố, thị trấn, công viên trên khắp nước Mỹ cũng tổ chức những màn bắn pháo hoa với các quy mô khác nhau. Người dân Mỹ cũng thích mua pháo hoa về để bắn trong các bữa tiệc tại gia mừng Quốc khánh.
Đa số pháo hoa mà người Mỹ dùng trong dịp Quốc khánh được nhập từ Trung Quốc. Năm 2014, người Mỹ đã bỏ ra tổng cộng 247,1 triệu USD để đốt pháo hoa trong ngày Quốc khánh. Con số này còn ít hơn nhiều so với năm 2012, khi tổng số pháo hoa được bán ra trên nước Mỹ trong dịp này có giá trị lên tới 508,1 triệu USD.
Một thứ không thể thiếu khác đối với người Mỹ trong dịp Quốc khánh là lá cờ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cũng giống như pháo hoa, những lá cờ “sao và gạch” với ba màu đỏ, trắng, xanh này đều chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc.
Năm 2014, Mỹ nhập khẩu cờ của chính nước mình với tổng giá trị 3,6 triệu USD, trong đó 3,5 triệu USD là hàng do Trung Quốc sản xuất. Ngược lại, nước Mỹ cũng xuất khẩu lá cờ đó với giá trị 1,8 triệu USD, và Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn nhất với số tiền mà họ bỏ ra để mua cờ Mỹ là 673.000 USD.