Đường Dương Thưởng ở Đà Nẵng.
Thứ nhất, Phó chủ khảo là một vị quan người Quảng Nam, Án sát Từ Thiệp. Thứ hai, phần lớn sĩ tử người Quảng tham gia kỳ thi này sau đó đều tham gia phong trào kháng thuế cự sưu và trở thành những người “can tội” (mà ngày ấy tội càng nặng thì công càng lớn đối với đất nước). Thứ ba, đây là kỳ thi “nát như tương”, để lại một vết nhơ trong lịch sử khoa cử Nho học thời phong kiến, để được đỗ người ta đã phải hối lộ bằng tiền và cả bằng... tình dục. Thứ tư, với tính cách ngay thẳng, không sợ cường quyền, sĩ tử Quảng Nam đã làm đơn khởi kiện quan trường, một hành động “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử khoa cử Nho học của nước ta.
Về kỳ thi này, Quốc triều Hương khoa lục viết: “Trường Thừa Thiên lấy đậu 35 người. Nguyên trúng 42 người. Sau khi ra bảng, sĩ tử đưa đơn đến Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện khiếu nại về 11 cử nhân học kém mà lại trúng. Vì vậy quý Tòa bàn bạc lập Hội đồng, cử quan người Pháp, người Nam tiến hành duyệt lại”. Kết quả 3 người “có văn lý hơi trội vẫn cho đậu”, còn 8 người “có văn lý bình thường đều bị giáng xuống hạng tú tài”. Tám người này sau đó cho dự phúc hạch. Kết quả có 7 người rớt, còn 1 người được xét cho đậu mạt hạng cử nhân (đỗ chót bảng).
Nói về kỳ thi này, một sĩ tử người Quảng đã có thơ:
Thủ khoa Trần Cáp tiếng chưa đồn (1)
Ba cậu La Hà cũng một môn (2)
Tích đã Thiệp rồi Từ điểm thấp (3)
Văn như Tương nát Tạ khuyên dồn(4)
Con nên khoa giáp cha mòn trán (5)
Em được công danh chị nát trôn (6)
Bốn hai ông cử đà ra dáng (7)
Lại khéo lôi ra một cậu Tôn (8)
Khoa này Quảng Nam có 7 người đỗ cử nhân, chiếm 20% số người thi đỗ của cả khoa. Đặc biệt, kỳ thi có sự gian lận do hối lộ nên nhiều người học giỏi lại bị hỏng hoặc chỉ đỗ tú tài mà thôi.
Phan Khôi là người học rất giỏi, được nhiều người kính nể, các thầy dạy đặt kỳ vọng sẽ đỗ thủ khoa. Phan Châu Trinh có lần đến thăm trường của Trần Quý Cáp và cho rằng: “Phan Khôi và Mai Dị sẽ là hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”. Thế nhưng vì không đưa hối lộ nên Phan Khôi chỉ đỗ… tú tài. Bực tức, ông đã làm một bài thơ viết lên tường của trường thi chửi sự dốt nát của các vị giám khảo và sau đó bỏ ngang không thèm theo Hán học và thi cử gì nữa. Cha của Phan Khôi là Phó bảng Phan Trân khi đọc lại bài làm của con cũng phải khen là hay và thất vọng với các vị giám khảo nhưng cũng quở trách… thái độ “vô lễ” của con.
Còn tác giả bài thơ nói trên là Dương Thưởng, người xã Trường An, phủ Tam Kỳ. Dương Thưởng có người em sinh đôi là Dương Thạc cũng thi trong khoa này. Cả hai anh em mặc dù học rất giỏi, được các bạn học là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh hết lời ca ngợi nhưng lại bị hỏng. Bực tức, Dương Thưởng cùng em và một số bạn bè như Trương Bá Huy (người làng Tiên Đỏa, phủ Thăng Bình), Phan Khôi (người làng Bảo An, Điện Bàn)… thảo đơn gửi Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện để khiếu nại và kết quả như ta đã thấy ở trên. Dù thấy rành rành cái sai của Hội đồng giám khảo nhưng để giữ thể diện cho triều đình nên Tòa cũng chỉ sửa sai đến mức đó và một số thí sinh đáng lý phải được đỗ cử nhân cũng chỉ cho đỗ tú tài. Dương Thưởng, Dương Thạc và Trương Bá Huy vì thế cũng chỉ được đặc cách đỗ… tú tài.
Phần lớn các sĩ tử Quảng Nam trong khoa thi này đều tham gia phong trào Duy Tân chủ trương đấu tranh bất bạo động, không tham gia trực tiếp vào các cuộc biểu tình chống sưu thuế nhưng đều bị thực dân và Nam triều để ý tìm cách kết tội. Mặt khác, quan lại địa phương đều còn rất “ấn tượng” với vụ kiện trường thi trước đó nên nhân dịp này tìm cách hãm hại.
Phan Khôi, Mai Dị bị bắt giam ở nhà lao Hội An suốt 3 năm với lý do rất mơ hồ là ra Hà Nội học ở trường Đông Kinh nghĩa thục mà không xin phép, cũng như đi dự lễ tế ở Văn thánh Điện Bàn lại mặc âu phục và cắt tóc ngắn.
Bị kết án, Dương Thưởng bị đày ra Lao Bảo và chết ở đây năm 1918; Dương Thạc bị đày ra Côn Đảo và chết năm 1909. Nguyễn Bá Trác bỏ trốn ra nước ngoài cũng bị kêu án đánh 100 gậy và đày 2.000 dặm. Trương Bá Huy bị kết án “càn quấy diễn thuyết, mỗi nơi chỉ trích, phỉ báng quan lại”, bị xử đánh 100 gậy, đày 3.000 dặm ra Côn Đảo; ba năm sau (1911) được tha về, lại cùng Mai Dị tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 và hai năm sau chết ở Lao Bảo.
Khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1906 vì thế là khoa thi đầy ấn tượng, được nhiều người Quảng Nam nhắc đến mỗi khi nói về khoa cử Quảng Nam thời Nho học, cùng với khoa thi Hương năm 1900 - khoa thi của “những người can tội”(9).
(1) Thủ khoa là Trần Cáp, tức Trần Trinh Hợp học vấn thuộc loại xoàng.
(2) Ba anh em nhà họ Hà quê làng La Chữ đều đỗ.
(3) Từ Thiệp làm Phó chủ khảo, nhận hối lộ.
(4) Tạ Tương, Thị lang bộ Hình làm chánh chủ khảo, nhận hối lộ.
(5) Viên ngự sử tên Quỳ chạy đủ các cửa để hối lộ cho con thi đỗ.
(6) Tôn Thất Cáp đỗ là nhờ có chị hối lộ “tình dục” cho các quan.
(7) Khoa này có 42 người đỗ cử nhân.
(8) Chỉ Tôn Thất Cáp, người thuộc Hoàng tộc.
(9) Khoa thi Hương năm 1900 Quảng Nam có 14 người đỗ cử nhân (trong tổng số 42 người đỗ cả khoa) và chiếm luôn 6 vị trí đầu tiên. Sau này phần lớn các vị khoa bảng này đều tham gia chống Pháp nên trong Quốc triều Hương khoa lục có chú thêm chữ “can tội” sau tên các ông.