Dân Việt

Điều gì sẽ đến với Hy Lạp sau tiếng “Không” lịch sử

Trí Dũng 06/07/2015 10:50 GMT+7
Khi ngân hàng cạn tiền, người dân Hy Lạp sẽ không được trả lương, hệ thống y tế, điện, vận tải công cộng sẽ đình trệ, hàng hóa nhập khẩu thiết yếu sẽ cạn kiệt.

Ngày 5.7, Liên minh châu Âu (EU) cho biết các lãnh đạo sẽ nhóm họp khẩn cấp sau khi đa số cử tri Hy Lạp quyết định nói không với đề xuất cứu trợ cuối cùng của châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, đánh dấu “chiến thắng” của chính phủ Hy Lạp trước sức ép của các chủ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng sẽ chủ trì phiên họp khẩn với lãnh đạo các ngân hàng trong nước vào tối Chủ nhật (theo giờ địa phương) để đối phó với cái mà ông gọi là “tình trạng chiến tranh”.

Trong cuộc họp khẩn này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yanis Stournaras cũng sẽ bị triệu tập trước những mối quan ngại rằng hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ sớm cạn kiệt hoàn toàn nguồn tiền vào ngày thứ Hai.

img
Người dân Athens ăn mừng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố

 

Hiện toàn bộ các ngân hàng Hy Lạp chỉ còn khoảng 500 triệu euro tiền mặt, tương đương với việc mỗi người dân nước này chỉ còn có thể rút được 45 euro từ tài khoản của mình. Với việc các ngân hàng Hy Lạp cho phép mỗi người dân được rút tối đa 60 euro mỗi ngày, toàn bộ hệ thống ngân hàng nước này sẽ phải đóng cửa vào hôm nay vì không còn tiền để người dân rút ra.

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã cảnh báo: “Khi ngân hàng không còn tiền, người dân sẽ không được trả lương, hệ thống y tế sẽ ngừng hoạt động, mạng lưới điện và vận tải công công cũng đình trệ, và họ sẽ không thể nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu vì không ai còn tiền để trả”.

Trong trường hợp xấu nhất, Hy Lạp sẽ phải tìm một nhà máy in tiền để in đồng tiền drachma thay thế cho đồng euro. Một số nguồn tin cho biết các nhà máy in tiền như De La Rue đã bí mật tiếp xúc với chính phủ Hy Lạp để có thể cung cấp dịch vụ in tiền này.

img
Hy Lạp có thể sẽ phải tự in tiền để chi trả cho người dân nếu không được bơm thêm nguồn euro

 

Tuy nhiên việc chuyển từ đồng euro sang đồng drachma cũng không hề đơn giản. Tất cả hệ thống máy ATM, máy tính và các máy thanh toán sử dụng đồng euro sẽ phải được điều chỉnh lại để nhận diện đồng drachma, và điều này cũng phải mất ít nhất vài tháng.

Trong khi đó, nền kinh tế Hy Lạp vẫn sẽ lâm vào cảnh trì trệ nếu không có các biện pháp cải cách tích cực. Nhiều người dân Hy Lạp lo sợ rằng việc rời khỏi khu vực đồng euro sẽ khiến nền kinh tế của họ càng tụt hậu hơn nữa. Nếu kinh tế không được cải thiện, uy tín của đang Syriza cầm quyền và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ sụt giảm đáng kể.

Chìa khóa để giúp Hy Lạp giải quyết vấn đề nguồn tiền này chính là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày hôm nay để quyết định xem liệu họ có nên gia hạn “gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp” (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp hay không.

Trước đây, ECB đã cam kết sẽ rót cho các ngân hàng Hy Lạp 89 tỉ euro, thế nhưng vào tuần trước, ECB đã quyết định sẽ không tiếp tục bơm tiền cho ngân hàng Hy Lạp để kiểm soát nguồn vốn. Nếu ECB chấm dứt gói hỗ trợ ELA, họ sẽ đẩy Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu euro.

img
ECB là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay ở Hy Lạp

 

Các chuyên gia phân tích tài chính tại Societe Generale nhận định: “Từ lâu chúng tôi đã cho rằng ngày mà ECB chấm dứt gói hỗ trợ ELA sẽ là ngày mà Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro, điều mà ECB không hề mong muốn”.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras tuyên bố rằng việc đa số cử tri nói không với đề xuất giải cứu của EU sẽ giúp ông có cơ hội tốt hơn để đàm phán với các chủ nợ mà không để người dân phải trả giá bằng những biện pháp thắt lưng buộc bụng gắt gao hơn.

Thế nhưng các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Deutsche lại tỏ ra hoài nghi tuyên bố trên của ông Tsipras. Theo họ, chỉ có một viễn cảnh ít u ám nhất cho Hy Lạp hiện nay là chính phủ của ông Tsipras bị thay thế bởi một liên minh dân tộc mới có thể nhanh chóng đi đến thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu.

img
Người dân Hy Lạp xếp hàng để rút tiền tại một cây ATM

 

Nếu điều đó không thành hiện thực, các chuyên gia phân tích của Deutsche cho rằng việc Hy Lạp phải rời khỏi Liên minh châu Âu là không thể tránh khỏi. Các chuyên gia này nhận định: “Chúng tôi coi khả năng Hy Lạp rời khỏi EU tỉ lệ thuận với chiến thắng của những người nói không trong cuộc bỏ phiếu”.

Hy Lạp đã không thể trả một khoản nợ lớn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào hồi tuần trước, và thời hạn thanh toán khoản nợ 3,5 tỉ euro cho ECB vào ngày 20.7 tới đây cũng đang đến gần. Theo các chuyên gia phân tích, nếu Hy Lạp tiếp tục khất nợ, mối quan hệ giữa Athens và châu Âu sẽ gần như không thể hàn gắn, ít nhất là với tình hình chính trị hiện nay ở Hy Lạp.