Tiến tới hài lòng người bệnh
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những vấn đề khiến người dân còn chưa hài lòng khi đi khám chữa bệnh chính là cán bộ y tế không đủ thời gian để hướng dẫn tận tình, tư vấn, giúp đỡ. Người bệnh còn lúng túng khi đi khám bệnh, tâm trạng cũng bất an, lo lắng.
Trong khi đó vẫn còn một số bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thậm chí có hành vi tiêu cực. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của hơn 400.000 cán bộ y tế đang dốc lòng, dốc sức để chữa bệnh cho người dân.
Với mục tiêu làm hài lòng người bệnh, xây dựng hình ảnh, phong cách tốt đẹp của cán bộ y tế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Trong đó, Chương trình Tiếp sức người bệnh do các Thầy thuốc trẻ và sinh viên là một phần của kế hoạch.
Theo đó, tình nguyện viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh trong các bệnh viện. Việc làm này sẽ góp phần cùng các bệnh viện cải thiện khâu đón tiếp, hướng dẫn, chăm sóc bệnh nhân tại khu vực khám bệnh quá tải, giúp cho người bệnh tiết kiệm thời gian trong trong các thủ tục khám, xét nghiệm.
Theo ông Trần Văn Thuấn – Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chương trình “Tiếp sức người bệnh” được phát động trong 30 bệnh viện tại 5 thành phố gồm 12 bệnh viện tại Hà Nội, 14 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế, 2 bệnh viện tại Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ trong năm 2015 và ở 90 bệnh viện từ năm 2016 – 2020. Mục tiêu chương trình là xây dựng những đội hình thanh niên tình nguyện tại khu vực tiếp đón ở BV cùng tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh, người nhà bệnh nhân tiếp cận nhanh với các dịch vụ y tế; giảm 80%-90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; giảm 50%-70% tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định và giảm “cò” bệnh viện.
Nhiều hoạt động từ thiện
Ngoài ra, các tình nguyện viên sẽ phối hợp với Phòng công tác xã hội, Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ trực tại khu vực tiếp đón của các bệnh viện, tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện; hướng dẫn quy trình làm thủ tục nhập và xuất viện, chuyển viện, xin cấp các giấy tờ cần thiết; nhắc nhở người bệnh và người nhà người bệnh không hút thuốc lá trong bệnh viện; phát sổ tay hướng dẫn phòng chống một số bệnh hay mắc phải, các dịch bệnh hiện tại.
Đồng thời, các tình nguyện viên cũng hỗ trợ y, bác sỹ của bệnh viện trong việc tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám bệnh và một số quy định, chế độ của bệnh viện; hỗ trợ vận chuyển, phân loại bệnh nhân; hỗ trợ người nhà chăm sóc bệnh nhân; tổ chức các hoạt động từ thiện cho người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện… Tình nguyện viên cũng tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình”; tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, xây dựng thùng quyên góp để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…
Ngày 5.7, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bác sĩ gia đình thành phố Hà Nội tổ chức khai trương Phòng khám chữa bệnh nhân đạo cho người dân thuộc các gia đình chính sách, người lao động ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại buổi lễ khai trương, phòng khám đã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 người. Phòng khám sẽ dự định hoạt động 1 buổi/tháng để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300 - 400 người dân theo các chuyên khoa; tổ chức khám sàng lọc miễn phí các bệnh tim mạch, ung thư vú, khám sàng lọc để tổ chức mổ thay thủy tinh thể cho người cao tuổi; tư vấn sức khỏe, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng hợp lý, an toàn; tổ chức tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản và tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; tổ chức tuyên truyền và vận động mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho các gia đình cận nghèo.